Print

Cần thêm các chế tài mạnh để xử lý DN nợ, trốn đóng BHXH

Thứ Sáu, 21 /07/2023 21:46

Chiều 21/7, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chỉ đạo báo Lao Động và báo Bảo Vệ Pháp Luật tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc”. 

Dự Hội thảo có ông Nguyễn Quang Dũng- Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; ông Ngọ Duy Hiểu– Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; đại diện BHXH Việt Nam, BHXH TP.Hà Nội; các chuyên gia, luật sư và NLĐ…

Ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi NLĐ

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Dũng- Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, bảo đảm ASXH là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Trong 37 năm thực hiện đường lối đổi mới, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, song chính sách ASXH luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước.

Ông Nguyễn Quang Dũng- Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, thời gian vừa qua đã có nhiều vi phạm, tội phạm phát sinh trong lĩnh vực bảo hiểm nói chung, đặc biệt là BHXH vì động cơ vụ lợi, với số tiền vi phạm như trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt… lên đến hàng trăm tỉ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhân dân. “Đặc biệt, việc trốn đóng, nợ đóng BHXH bắt buộc trong các DN, tổ chức xã hội đã tác động, ảnh hưởng đến số lượng lớn NLĐ, gây thất thu đối với quỹ BHXH, khiến an sinh xã hội không được bảo đảm, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước”- ông Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh.

Chia sẻ câu chuyện thực tế về việc nợ BHXH ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của NLĐ, chị Nguyễn Thị Huyền- Quản đốc Phân xưởng may Nhà máy Dệt kim Haprosimex (Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex) cho biết, Công ty nợ BHXH từ tháng 7/2011 của toàn bộ gần 500 công nhân. Tính đến trước tháng 3/2023, số tiền Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ BHXH của NLĐ là hơn 15 tỷ đồng.

Đại diện NLĐ chia sẻ tại Hội thảo

Theo chị Nguyễn Thị Huyền, trong 6 năm ròng rã, NLĐ đi tìm gặp các lãnh đạo Công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời mà NLĐ nhận được là: “DN khó khăn, chưa có tiền chi trả cho NLĐ”. Do bị nợ BHXH, BHYT nên quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hàng trăm NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng". Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, NLĐ đã nhiều lần tìm gặp lãnh đạo Công ty để đòi quyền lợi… nhưng đáp lại NLĐ là những lời hứa suông. 

“Trong số gần 500 công nhân Nhà máy Dệt thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex bị lãnh đạo nợ lương, nợ BHXH… thì hoàn cảnh của 2 chị em chị Lê Thị Là và chị Lê Thị Ngân là khó khăn nhất. Chị Là trong hai lần sinh con nhưng đến thời điểm trước tháng 3/2023, chị chưa được nhận chế độ thai sản. Đáng buồn hơn, em gái chị Là là chị Ngân không may qua đời năm 2012, nhưng tới trước tháng 3/2023 gia đình vẫn chưa được nhận tiền tử tuất…”- chị Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Theo ông Phan Nghiêm Long- Ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam), khi người SDLĐ trốn đóng, chậm đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với NLĐ như không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác... Hệ quả này còn tác động đến gia đình của NLĐ và cả xã hội.

PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh- Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Trong khi đó, PGS.TS.Nguyễn Đức Hạnh- Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, theo số liệu thống kê, kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực đến nay, các cơ quan tố tụng chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất cứ vụ án hình sự nào theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự.

“Đây là những hệ lụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ASXH, khiến xã hội không thể phát triển bền vững. Phòng ngừa, truy cứu trách nhiệm và xử lý hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc là sự đòi hỏi khách quan, bức thiết trong việc xây dựng, hình thành một xã hội văn minh, ổn định, vì quyền lợi của người dân”- PGS.TS.Nguyễn Đức Hạnh nhấn mạnh.

Thông tin tại Hội thảo, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện số nợ BHXH là khoảng 15.000 tỷ- đây là số nợ BHXH tồn tích từ trước tới nay; trong đó có khoảng 3.000 tỷ (thống kê đến năm 2021) là của các DN phá sản, có chủ bỏ trốn. Trước tình trạng nợ trên, với chức năng nhiệm vụ của mình, cơ quan BHXH đã triển khai nhiều giải pháp từ việc cử cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình của DN để đôn đốc số nợ đọng BHXH cũng như gửi thông báo kết quả đóng BHXH về chủ DN.

Ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) thông tin tại Hội thảo

Theo đó, NLĐ đều được xác nhận quá trình đóng BHXH của năm đó. Điều này thể hiện sự công khai thông tin với NLĐ và chủ thể DN. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã triển khai sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số, hiện nay tỷ lệ NLĐ được cài đặt VssID là hơn 90%, NLĐ có thể kiểm tra quá trình đóng BHXH, BHYT... Ngoài ra, khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực, BHXH Việt Nam đã triển khai hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành đóng. Riêng năm 2022 toàn Ngành đã thanh tra, kiểm tra hơn 36.000 đơn vị. Qua đó, thu hơn 3.000 tỷ (đạt hơn 90%) tiền nợ đọng, chậm đóng của các DN.

Đối với việc khởi kiện hình sự các DN nợ, chậm đóng BHXH, đến nay cơ quan BHXH các cấp đã chuyển 399 hồ sơ, trong đó 12 vụ việc được xử lý, một số DN ngay khi bị khởi kiện đã lập tức đóng tiền. Tuy nhiên, theo ông Hào, việc nợ BHXH hiện nay vẫn còn tiếp diễn do nhiều nguyên nhân. Trước tiên là nhiều DN thực sự khó khăn, không có tiền trả lương, thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Cùng với đó, hiện chế tài xử lý các DN này vẫn chưa thực sự đủ sức răn đe nên nhiều DN cố tình chây ỳ, tìm cách né tránh cơ quan chức năng…

Sớm gỡ vướng để khởi kiện

Lý giải nguyên nhân về Công đoàn được giao quyền khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH của NLĐ nhưng việc triển khai lại chưa được như mong đợi, ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH chịu sự chi phối của 4 luật: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Luật Tố tụng dân sự.

Ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng luật, thẩm tra luật đã không để ý đến sự thống nhất, nên các đạo luật có sự mâu thuẫn nhau. Có luật yêu cầu Công đoàn nói chung có quyền khởi kiện, có luật nêu rõ là Công đoàn cơ sở; có luật bắt buộc NLĐ phải uỷ quyền, có đạo luật thì yêu cầu chung. “Chính vì có sự khác nhau như vậy, nên dù các cấp Công đoàn rất nỗ lực đưa các vụ việc ra tòa, nhưng đến nay cơ bản là bế tắc, tòa không thụ lý các vụ việc”- ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.

Đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHXH có quy định để Tổng LĐLĐ Việt Nam khởi kiện thì phải do NLĐ uỷ quyền, ông Ngọ Duy Hiểu kiến nghị xem xét sửa lại quy định này, bởi theo Điều 10 Hiến pháp, Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên của NLĐ vì vậy với Công đoàn không nên đặt ra vấn đề uỷ quyền. Trong thực tế có nhiều DN có hàng nghìn, chục nghìn NLĐ, nếu rơi vào những trường hợp này thì thủ tục hành chính, thời gian, để tiến hành khởi kiện sẽ rất lớn.

“Hiện nay, các cơ quan chức năng đã thể hiện quyết tâm xử lý tình trạng này trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, đó là ngừng sử dụng hoá đơn; hoãn xuất cảnh chủ DN chây ì nợ BHXH… Đây là những giải pháp rất hợp lý. Thực sự không mong muốn hình sự hóa hành vi này, nhưng cố tình chây ì thì phải tìm ra và xử lý nghiêm, làm gương cho các đối tượng khác”- ông Hiểu nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Danh Huế nêu đề xuất tại Hội thảo

Cho ý kiến về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Danh Huế- Chủ tịch Công ty Luật Hừng Đông cũng chỉ ra thực tế hiện nay có luật quy định Công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện DN nợ BHXH; có luật lại quy định Công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện; có luật lại chỉ quy định chung là Công đoàn có quyền khởi kiện. 

Theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, việc giao quyền khởi kiện DN chậm đóng, trốn đóng BHXH cho Công đoàn cơ sở (vì xác định đây là tranh chấp lao động tập thể về quyền) là không phù hợp với thực tế, vì hầu hết đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở đang hưởng lương từ chủ DN nên rất ít người “dám” đứng ra khởi kiện người SDLĐ bởi sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Luật sư Nguyễn Danh Huế cũng cho rằng, nên trao thêm quyền khởi kiện DN nợ BHXH cho tổ chức Công đoàn cơ sở cấp trên. Phương án này sẽ tránh được tâm lý e ngại của Công đoàn cơ sở cấp dưới khi phải trực tiếp khởi kiện DN vì thực tế là cán bộ Công đoàn cơ sở đang nhận lương từ chính DN.

T.Hằng - Hoàng Hằng