Bệnh nhân cần BHYT như “cây cần nhựa sống”
Mới đây, BV huyện Bình Chánh (TP.HCM) tiếp nhận 2 ca hoại tử suýt dẫn tới đoạn chi vì tắc động mạch. Rất may là các bác sĩ Đơn vị Can thiệp Tim mạch của BV đã chẩn đoán chính xác và can thiệp kịp thời. Theo đó, anh T.U.O (46 tuổi, quê Sóc Trăng) nhập viện trong tình trạng đau buốt ngón 2 bàn chân phải. Ghi nhận bệnh sử cho thấy, trong vòng 12 tháng trở lại đây, anh O. từng bị hoại tử nhiễm trùng ngón chân trái. Tình trạng lan dần lên cẳng chân, tệ đến mức phải phẫu thuật cắt cụt chi 3 lần, kèm điều trị kháng sinh dài ngày tại một số cơ sở y tế. Nay tới phiên chân phải đau nhiều kèm tê bì kéo dài, nhưng điều trị thuốc không giảm. Khoảng 30 ngày trở lại đây, ngón 2 bàn chân có dấu hiệu viêm đau, triệu chứng khởi phát tương tự như bàn chân trái trước đây. Vì vậy, anh O. đến BV huyện Bình Chánh để được thăm khám, điều trị.
Đáng nói là, dù mới trung niên, song anh O. đã mắc đái tháo đường 13 năm qua. Lâm bệnh cảnh tương tự anh O., bà T.T.L (62 tuổi, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng mạch mu chân phải mờ khó bắt (đã đoạn ngón 1); mạch mu chân trái mờ khó bắt, bàn chân lạnh. Ghi nhận bệnh sử cho thấy, 2 năm trở lại đây bà L. thấy tê, đau, giảm cảm giác 2 chi dưới. Sau đó bị viêm nhiễm trùng ngón 1 bàn chân phải, bà L. điều trị nội khoa tại một cơ sở y tế nhưng không đáp ứng, phải đoạn ngón 1 bàn chân để kiểm soát nhiễm trùng. Hiện bệnh nhân vẫn còn đau kèm tê nhiều 2 chân. Bà L. cũng mắc đái tháo đường đã 23 năm qua.
Tại BV huyện Bình Chánh, cả 2 bệnh nhân được PGS.BS.Trần Minh Hoàng, chuyên gia can thiệp mạch máu thuộc BV ĐH Y dược TP.HCM, người đang hỗ trợ chuyên môn BV huyện thăm khám và chẩn đoán.
Theo PGS. Hoàng, bệnh nhân O. bị tắc gần hoàn toàn động mạch đùi nông phải, tắc hoàn toàn động mạch đùi nông trái/mỏm cục cẳng chân trái; đái tháo đường biến chứng mạch máu ngoại biên, chỉ định theo dõi viêm hoại tử ngón 2 bàn chân trái. Còn bệnh nhân L. thì tắc động mạch chày sau 2 bên và động mạch mu chân bên phải, biến chứng mạch máu chi dưới do đái tháo đường, đã đoạn ngón 1 bàn chân phải, tổn thương thận cấp/mạn do đái tháo đường...
Sau quá trình theo dõi, PGS.Hoàng cùng các bác sĩ Đơn vị Can thiệp Tim mạch của BV huyện Bình Chánh thống nhất chỉ định can thiệp nong động mạch đùi nông phải dưới DSA điều trị thiếu máu chi (do bệnh động mạch ngoại biên biến chứng của đái tháo đường lâu năm) ở bệnh nhân O. Qua 60 phút can thiệp thành công, ghi nhận không bầm tụ máu, giảm đau giảm tê chân phải. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị nội khoa tối ưu và sẽ xuất viện trong những ngày tới.
Với bệnh nhân L., PGS.Hoàng và các “tay kéo” Đơn vị Can thiệp Tim mạch BV huyện Bình Chánh thực hiện can thiệp nong động mạch mu chân phải dưới DSA để điều trị thiếu máu bàn chân (do bệnh động mạch ngoại biên biến chứng của đái tháo đường lâu năm), nhằm phòng ngừa biến chứng hoại tử phải đoạn chi cho bệnh nhân. Ca can thiệp nong động mạch mu chân phải thành công trong vòng 90 phút. Sau can thiệp bệnh nhân sinh hiệu ổn, không bầm tụ máu, hết đau bàn chân phải, chi ấm. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị nội khoa tối ưu, xem xét sẽ chụp và can thiệp động mạch bên chân trái sau đó.
Được biết, mỗi ca can thiệp nói trên có chi phí trên dưới 100 triệu đồng. Nhưng cả 2 bệnh nhân đều tham gia BHYT nên sau khi được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB thì phần phải tự chi trả hoàn toàn trong khả năng. Cả anh O. lẫn bà L. đều chia sẻ rằng, nếu không có BHYT chi trả, họ sẽ vô cùng khó khăn. Trong khi đó, chuyên gia lý giải rằng, nếu không quyết định điều trị theo lối can thiệp nong mạch, cả 2 bệnh nhân đều phải đoạn chi.
Chi phí trên dưới 100 triệu đồng đã là chuyện không nhỏ với bệnh nhân, huống chi viện phí vài trăm triệu hay lên đến tiền tỷ. “Cây sức khỏe” của từng cá nhân, và cả cộng đồng nữa, nếu không có “nhựa sống” là tấm thẻ BHYT, là quỹ BHYT, e rằng khó giữ cành lá xanh tươi...
Nếu anh O. và bà L. đến BV huyện Bình Chánh cách đây hơn 1 năm, việc chăm sóc, điều trị tại chỗ là bất khả thi. Theo quy định, BV sẽ chuyển lên tuyến trên và vấn đề kéo theo là chi phí, cả y tế lẫn ngoài y tế, đều gia tăng. Đơn vị Can thiệp Tim mạch của BV huyện Bình Chánh đi vào hoạt động hồi tháng 8/2022.
Từ đó tới nay, hàng chục ca can thiệp thành công vừa kịp thời đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, vừa giúp người bệnh cùng gia đình tiết kiệm rất nhiều chi phí phát sinh. Nỗ lực phát triển chuyên môn của BV huyện cửa ngõ phía Nam TP.HCM thật đáng ghi nhận. Trong một chia sẻ gần đây với PV Tạp chí BHXH về vấn đề này, BS-CK2 Võ Ngọc Cường- Giám đốc BV huyện Bình Chánh, nói rằng, cả tập thể đang phấn đấu để BV mạnh kỹ thuật, rộng chuyên môn, chăm lo tốt nhất, đầy đủ nhất cho người bệnh.
Ghi nhận từ cơ sở y tế này cho thấy, hầu hết bệnh nhân đến BV đều sử dụng thẻ BHYT để KCB. Trong năm 2022, tổng lượt KCB ngoại trú của BV huyện Bình Chánh hơn 275.500 lượt; KCB nội trú hơn 26.800 lượt. Riêng trong quý I/2023 tổng số lượt KCB ngoại trú hơn 83.125 lượt, với 72.609 lượt KCB BHYT (chiếm hơn 87%); KCB nội trú hơn 7.700 lượt. Phía BV nhận định rằng, nguồn tài chính chủ lực của BV đến từ hoạt động KCB BHYT.
Không riêng BV huyện Bình Chánh, mà toàn mạng lưới BV tuyến huyện cả nước, với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe ban đầu, đang gắn chặt hoạt động với quỹ BHYT. Trong bối cảnh tự chủ tài chính 1 phần (chi thường xuyên), BV huyện Bình Chánh và các cơ sở y tế cùng tuyến rất cần “nhựa sống” là BHYT. Nguồn lực tài chính đến từ quỹ BHYT giúp các BV tuyến huyện ổn định phát triển.
Một cách ví von, “cây y tế” là toàn hệ thống Y tế từ gần dân nhất như: Trạm Y tế (TYT), đến Trung tâm Y tế (TTYT) hoặc BV tuyến huyện, rồi BV tuyến đầu và chuyên sâu... Như cây luôn cần nhựa sống, “cây y tế” cũng cần “nhựa” tài chính để ổn định hoạt động và có cơ hội phát triển. Loại nhựa mà “cây y tế” cần rõ là mang tên BHYT. Cơ sở y tế càng tự chủ tài chính mức độ cao (chi thường xuyên, chi đầu tư...) thì càng cần nguồn lực từ quỹ BHYT. Bệnh nhân càng muốn được chăm sóc sức khỏe đầy đủ càng cần đến nguồn lực từ quỹ BHYT. Nói cách khác, dù là “cây sức khỏe” đối với từng cá nhân, hay “cây y tế” đối với từng BV, đều cần đến “nhựa sống” mang tên BHYT...
Bài: Thanh Giang
Đồ hoạ: Hiểu Thanh