Print

“Khơi thông” dòng vốn cho DN: Cách nào?

Thứ Ba, 25 /07/2023 14:16

Trong năm 2023, sức hấp thụ vốn của DN suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp, khiến phục hồi và tăng trưởng kinh tế chậm, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Tín dụng "rộng cửa", DN vẫn khó tiếp cận vốn

Chia sẻ tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN” diễn ra sáng 25/7, ông Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhấn mạnh, thời gian qua, ngành Ngân hàng không chỉ làm tốt nhiệm vụ giữ vững được sự ổn định tỷ giá, giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát và đảm bảo kinh tế vĩ mô, mà còn triển khai tốt nhiệm vụ rất quan trọng là giảm lãi suất điều hành tới 4 lần với mức giảm từ 0,5% đến 2%/năm.

"Tính hiệu quả của hoạt động này rất cụ thể, khi trong số hơn 6 triệu tỷ đồng cho vay toàn nền kinh tế, thì dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa đạt khoảng 2,3 triệu tỷ đồng. Xét về tỷ lệ cho vay, thì dư nợ tín dụng năm sau cao hơn năm trước. Đến thời điểm này, phải khẳng định lại lần nữa về mức độ quan tâm, hỗ trợ đối với DN nhỏ và vừa của ngành Ngân hàng là rất lớn"- ông Thân đánh giá.

Mặc dù ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng tín dụng 6 tháng có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước. Có tới 25% hội viên của Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, hiện nay họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe. Cùng với đó, không ít DN xuất khẩu cũng đề nghị giảm lãi suất vay đối với đồng USD để tăng tính cạnh tranh quốc tế, nhằm trụ vững trước khi thị trường có dấu hiệu phục hồi vào quý III/2023…

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng đánh giá, do nhiều tác động từ bên ngoài cũng như một số khó khăn trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra (3,72%). Hậu quả của đại dịch Covid-19 kéo dài khiến sức chống chịu của DN bị bào mòn, lạm phát đối diện với nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro... Những diễn biến này đã khiến cho tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của DN. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm của ngành Ngân hàng ở mức thấp.

Theo Phó Thống đốc NHNN, một loạt giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN, người dân đã được NHNN và ngành Ngân hàng triển khai, nhằm kiểm soát lạm phát ở mức thấp, giảm mặt bằng lãi suất. NHNN đã chủ động điều hành thị trường mở nhằm bảo đảm thanh khoản tốt cho hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD); phân bổ sớm, phân bổ hết chỉ tiêu hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023; liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện và định hướng cho các TCTD giảm lãi suất cho vay...

“Có thể nói, những giải pháp trên đây đã thể hiện nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng trong việc đồng hành cùng với DN tháo gỡ khó khăn theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tín dụng 6 tháng đầu năm vẫn tăng chậm so với cùng kỳ các năm trước. Đến ngày 30/6/2023, tín dụng đối với nền kinh tế mới chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022”- ông Tú thông tin.

Tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN- giảm lãi suất là chưa đủ

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phân tích thêm, với tính chất quan hệ đồng hành, cộng sinh, khó khăn, thách thức hiện hữu của DN cũng chính là các khó khăn mà hệ thống ngân hàng sẽ phải đối mặt. Thực tế, nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD có xu hướng tăng nhanh từ năm 2022 và có thể tiếp tục tăng nhanh trong các tháng đầu năm 2023 (đến cuối tháng 4/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 3,42%... Tuy nhiên, việc làm cách nào để tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN cũng là vấn đề đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề đặc biệt quan tâm, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Trong những tháng cuối năm, kinh tế thế giới và trong nước dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, NHNN tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển kinh tế. Theo đó, về điều hành tín dụng và lãi suất, Phó Thống đốc khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; chỉ đạo các TCTD chủ động xây dựng chương trình, gói sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn.

NHNN cũng sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản... Đồng thời, đại diện NHNN đề nghị các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các hiệp định thương mại tự do. Do đó, ông Đào Minh Tú cho rằng, cần xử lý triệt để các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, trái phiếu DN để qua đó góp phần đẩy mạnh cả 2 phía cung-cầu tín dụng.

Từ góc độ đại diện khối DN, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, ngoài những tác động khách quan từ thị trường, thì các chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ. Trong khi đó, bản thân các DN cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính. Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của DN, thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai. 

Về chiến lược lâu dài, ông Thân đề xuất Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ cần hỗ trợ, nâng tầm DN vừa và nhỏ thông qua nhiều giải pháp như sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ theo hướng từng bước chuyển hướng các chính sách hỗ trợ DN từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho DN cơ cấu lại năng lực sản xuất nhằm phát triển ổn định, lâu dài. Trong đó, hỗ trợ các DN vừa và nhỏ tham gia vào 30% các dự án đầu tư công, cải tổ các Quỹ Bảo lãnh tín dụng và tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý địa phương trong việc hỗ trợ đánh giá, xác nhận tín nhiệm của DN để bảo lãnh cho vay.

Thái An