Print

Indonesia chi hơn 532,41 triệu USD cấp gạo bổ sung cho người nghèo

Thứ Ba, 25 /07/2023 14:40

Indonesia vừa tăng ngân sách phúc lợi xã hội thêm 8.000 tỷ rupiah (tương đương 532,41 triệu USD) để hỗ trợ gạo cho hộ gia đình có thu nhập thấp và góp phần kiểm soát giá lương thực.

Quyết định này được Chính phủ Indonesia đưa ra sau khi cơ quan thời tiết của quốc gia này cảnh báo, kiểu thời tiết El Niño sẽ gây hạn hán cho tất cả các vùng của quần đảo, ảnh hưởng đến sản lượng gạo trong khi giá gạo trên thị trường quốc tế đang tăng vì Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu vào tuần trước.

Một người nông dân gieo hạt trên cánh đồng lúa ở Demak (Indonesia)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Cộng hòa Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, khoản ngân sách bổ sung này sẽ được sử dụng để phân phối tiếp 10kg gạo/tháng cho 21,35 triệu hộ gia đình dễ bị tổn thương trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2023, ngoài chương trình hỗ trợ gạo hiện hành. “Đây là động thái của Chính phủ nhằm tiếp sức cho người dân khi họ có khả năng phải đối mặt với áp lực kinh tế gia tăng trong thời gian tới”- bà Sri Mulyani Indrawati cho biết.

Hồi đầu năm 2023, Indonesia cho biết đã lập ngân sách khoảng 476 nghìn tỷ rupiah cho trợ cấp xã hội cho cả năm. Đồng thời, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á với dân số hơn 270 triệu người cũng có kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo năm nay để kiểm soát giá gạo trong nước. Quý I/2023, theo Ngân hàng Thế giới (WB), 9,5% dân số Indonesia sống dưới chuẩn nghèo quốc gia, đòi hỏi Chính phủ cần nhiều nỗ lực trong tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và chăm lo đời sống cho người dân. Bên cạnh cố gắng nội tại, một số tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội đang sát cánh với Chính phủ Indonesia để cải thiện tình hình.

Ví dụ, để phù hợp với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện tính bền vững môi trường của Indonesia, USAID đã khởi động sáng kiến LASCARCOCO, giúp nâng sản lượng cacao, cafe bền vững; đồng thời, tăng tính chống, chịu với biến đổi khí hậu. Sáng kiến USAID hợp tác với Olam Food Ingredients (OFI), Rikolto, Hershey's và Chính phủ Indonesia đã giải ngân khoản đầu tư trị giá 8,2 triệu USD vào ngành cacao, cafe và đào tạo 6.500 nông dân ở Bắc Sumatra, Nam Sulawesi, Đông Nusa Tenggara- các địa phương đang có sản lượng cacao, cafe đang giảm mạnh do biến đổi khí hậu. Nông dân sẽ được đào tạo về nông-lâm kết hợp bền vững, đó là kỹ thuật kết hợp các loại cây trồng tạo thu nhập khác với cacao, cafe. Hiện có khoảng 1 triệu hộ nông dân ở Indonesia dựa vào việc trồng cây cacao để mưu sinh và Indonesia là một trong TOP15 quốc gia xuất khẩu hạt cacao lớn nhất thế giới.

Hay TALENTA, chương trình của USAID tại Indonesia mang lại lợi ích tích cực cho người nghèo bằng tập trung vào việc xây dựng năng lực kỹ thuật số và góp phần phát triển nền kinh tế số. Mục tiêu chung của TALENTA là trang bị cho 60.000 sinh viên tốt nghiệp từ 20 trường Đại học những kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động thời Cách mạng Công nghiệp 4.0; hướng đến thành lập 100 công ty khởi nghiệp để củng cố nền kinh tế số của Indonesia. Nền kinh tế số Indonesia đã phát triển kể từ năm 2017, dự báo có thể tăng 62% trong giai đoạn 2021-2025 và sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt vào năm 2030. Việc mở rộng lĩnh vực số được coi là sẽ đóng góp 4.434 nghìn tỷ rupiah vào GDP của Indonesia vào năm 2030, đó là lý do vì sao Chính phủ luôn khuyến khích giới trẻ tiếp cận các lĩnh vực về kỹ thuật số.

Tùng Anh