Print

Hà Nội: Trên 232,8 tỷ đồng quà tặng cho người có công với cách mạng

Thứ Ba, 25 /07/2023 15:22

Trong suốt 76 năm qua, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn Hà Nội luôn quan tâm và có nhiều việc làm thiết thực trong công tác “đền ơn đáp nghĩa”, tri ân và chăm lo người có công với cách mạng.

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, ngay từ đầu tháng 3/2023, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023).

Kết quả, toàn TP.Hà Nội đã vận động đóng góp vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 28.054 triệu đồng, đạt 122,1% kế hoạch; tặng 735 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí trên 2,3 tỷ đồng, đạt 58,6% kế hoạch. Đồng thời, tu sửa nâng cấp 57 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí trên 6,9 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch; 70 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng.

Các địa phương cũng cơ bản thực hiện xong việc trao quà của Chủ tịch nước và quà của TP.Hà Nội đến tay các đối tượng chính sách theo quy định, bảo đảm kịp thời, chu đáo. Ngoài quà của Chủ tịch nước và thành phố, các quận, huyện, thị xã, cơ quan, đoàn thể cũng có quà tặng riêng đến những người có công ở địa phương hoặc do cơ quan quản lý. Theo đó, đã có 296.723 suất quà được tặng cho đối tượng người có công trên địa bàn Hà Nội với tổng số tiền trên 232,8 tỷ đồng, trong đó nguồn vận động xã hội hóa là 4.138 suất với số tiền trên 1 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đình Thanh- Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Anh, kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, huyện Đông Anh thăm và tặng 12.319 suất quà cho người có công với tổng kinh phí hơn 11,5 tỷ đồng. Trong đó, quà của Chủ tịch nước có 6.093 suất với tổng trị giá 1,856 tỷ đồng; quà của TP.Hà Nội có 6.102 suất với tổng trị giá 9,355 tỷ đồng và quà của huyện có 124 suất với tổng trị giá 316 triệu đồng.

Còn huyện Gia Lâm đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 13.268 người có công và thân nhân người có công với tổng trị giá trên 9,8 tỷ đồng. Huyện cũng vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được gần 2,3 tỷ đồng, đạt trên 153% kế hoạch được thành phố giao.

Trong khi đó, quận Tây Hồ đã tiếp nhận và trao 3.723 suất quà với tổng trị giá 3,476 tỷ đồng. Đồng thời, thăm hỏi, tặng quà 24 gia đình chính sách tiêu biểu, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận (mỗi suất trị giá 1,5 triệu đồng); trao suất quà mức 1 triệu đồng cho đại diện gia đình thờ cúng Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Huyện Ba Vì đã trao tặng 14.056 suất quà với tổng trị giá trên 12 tỷ đồng. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên một số xã (Đông Quang, Phong Vân…) còn có sáng kiến tổ chức mô hình cắt tóc, rửa xe để gây quỹ tặng quà các gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ. 

Cùng với việc tặng quà, các địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng đã vận động xã hội hóa tu sửa, nâng cấp 126/143 nhà ở cho người có công với kinh phí 5,88 tỷ đồng (đạt 88,1% kế hoạch năm). Điển hình như: Huyện Gia Lâm hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 12 nhà tình nghĩa với số tiền 800 triệu đồng; UBND thị trấn Đông Anh hỗ trợ xây mới 1 nhà tình nghĩa cho gia đình ông Phạm Văn Nhuần là bệnh binh 2/4; quận Tây Hồ hỗ trợ xây mới 1 nhà tình nghĩa trị giá 70 triệu đồng tại phường Thụy Khuê và sửa chữa 1 nhà tình nghĩa tại phường Bưởi trị giá 35 triệu đồng.

Ngoài ra, TP.Hà Nội còn chú ý đến cải thiện sức khỏe người có công và thân nhân liệt sĩ. Đặc biệt, HĐND TP.Hà Nội ban hành Nghị quyết số 24/2022/NĐ-HĐND về việc bố trí kinh phí để người có công và thân nhân liệt sĩ được đi điều dưỡng mỗi năm 1 lần (từ năm 2023 trở đi); người đi điều dưỡng được hỗ trợ tiền khám sức khỏe 1 triệu đồng/năm; người có công được nuôi dưỡng được nâng mức ăn là 3 triệu đồng và chi phí khác 500.000 đồng/tháng.

Châu Anh