Tăng cường truyền thông, giáo dục về nước sạch, vệ sinh cá nhân cho học sinh
Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Tài liệu Truyền thông, giáo dục về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường dành cho học sinh bậc THCS. Tài liệu được xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ bởi Quỹ Nhi đồng LHQ tại Việt Nam.
Nước sạch rất cần thiết cho cuộc sống con người, cho sản xuất công nghiệp, cũng như nông nghiệp. Nước sạch cũng là yêu cầu đầu tiên để bảo vệ sức khỏe, con người cần nước sạch để ăn uống và vệ sinh mỗi ngày. Bên cạnh đó, các thực hành vệ sinh cho bản thân và cộng đồng rất quan trọng để giữ gìn sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh. Rửa tay với nước sạch và xà phòng, đi vệ sinh đúng nơi quy định, bỏ rác đúng chỗ… giúp ngăn chặn việc lây lan của rất nhiều bệnh tật như Covid-19, tay chân miệng, tiêu chảy, giun sán…
Thông qua Tài liệu Truyền thông, giáo dục về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường dành cho học sinh bậc THCS, các bên liên quan mong muốn giúp học sinh nâng cao hiểu biết về vai trò của nước sạch, vệ sinh đối với sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh, trang bị thêm các kỹ năng vệ sinh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Tài liệu Truyền thông, giáo dục về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường dành cho học sinh bậc THCS gồm 5 phần, bao gồm:
Phần 1 về Nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sức khỏe (khái niệm, vai trò của nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường đối với sức khỏe; ảnh hưởng của thiếu nước sạch và thói quen vệ sinh không đúng đối với sức khỏe; một số bệnh liên quan đến nước, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường: bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bệnh giun sán, bệnh lây truyền qua muỗi).
Phần 2 về Nước sạch tại trường học (Nhu cầu nước của cơ thể và lợi ích của việc uống đủ nước; Sử dụng nước tại trường học).
Phần 3 về Một số thực hành vệ sinh cá nhân (Rửa tay với nước sạch và xà phòng, vệ sinh kinh nguyệt).
Phần 4 về Một số thực hành về môi trường (Sử dụng nhà vệ sinh đúng cách, rác và phân loại rác, rác thải nhựa).
Phần 5 về Dự án của em, gợi ý một số dự án để các em học sinh có thể tự thực hiện hoặc thực hiện theo nhóm.
Đặc biệt, Tài liệu còn dành một bài riêng để trang bị kiến thức cho học sinh THCS về rác và phân loại rác. Rác thải sinh hoạt là chất thải bao gồm mọi thứ mà con người không còn sử dụng, có ý định vứt đi hoặc loại bỏ. Chất thải có thể ở dạng rắn (rác thải), lỏng (nước thải) hoặc khí (khí thải). Rác thải sinh hoạt chia thành 3 loại chính là rác tái chế, rác hữu cơ và rác vô cơ.
Trong đó, rác thải tái sử dụng và tái chế là rác thải mà sau khi con người loại bỏ vẫn có thể tái sử dụng lại hoặc tái chế. Rác thải hữu cơ là những loại rác dễ dàng phân hủy, chúng thường được tận dụng làm phân bón (phân hữu cơ) hoặc làm thức ăn cho động vật nuôi. Còn rác thải vô cơ là những rác thải không phân hủy, phải được đưa đi xử lý theo quy định.
Rác là môi trường phát triển của nhiều loại mầm bệnh, các mầm bệnh này có thể truyền bệnh qua một số loài côn trùng và động vật sống ở bãi rác. Rác còn ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thiên nhiên, nhiều sinh vật chết sau khi ăn phải rác thải nhựa, đặc biệt là vi nhựa hoặc vướng vào rác thải. Bên cạnh đó, đất, nước chứa rác thải sẽ nhiễm nhiều chất độc khiến cây cối, sinh vật không thể sinh trưởng, phát triển. Rác cũng ảnh hưởng đến cảnh quan, làm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí.
Vì vậy, ngay từ nhỏ, học sinh cần nâng cao nhận thức về phân loại rác thải nhằm giảm 50% lượng rác cần thu gom, vận chuyển; tái sử dụng rác hữu cơ (làm phân bón); xử lý rác thải để không còn ô nhiễm không khí do phân hủy hữu cơ; tái sử dụng và tái chế (giấy báo, vỏ hộp, nhựa…).
Tùng Anh