Cụm Thi đua số 9 (BHXH Việt Nam): Vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ
Tại Đồng Tháp, Cụm Thi đua số 9 vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Qua báo cáo cho thấy, đến nay toàn Cụm đã đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng.
Theo báo cáo của Cụm Thi đua số 9, trong thời gian qua, các đơn vị trong Cụm luôn bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch được BHXH Việt Nam giao để chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động của đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với nhiều phong trào thi đua do Chính phủ và BHXH Việt Nam phát động. Từ đó, đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng CBVC, nhằm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, toàn Cụm đã có gần 1 triệu người tham gia BHXH (đạt 89,99% kế hoạch năm), trong đó BHXH tỉnh Đồng Tháp đạt tỷ lệ cao nhất (92,29%). Về BH thất nghiệp có 840.124 người tham gia (đạt 89,53% kế hoạch), trong đó BHXH tỉnh Trà Vinh đạt tỷ lệ cao nhất (91,66%). Về BHYT có 7.439.888 người tham gia (đạt 96,3% kế hoạch và đạt tỷ lệ bao phủ 99,14% dân số), trong đó BHXH tỉnh Bến Tre đạt cao nhất (99,14%). Toàn Cụm thu được hơn 12.486 tỷ đồng (đạt 46,03% kế hoạch); tỷ lệ chậm đóng, trốn đóng là 2,52%. Công tác giải quyết, chi trả các chế độ đảm bảo kịp thời, đầy đủ.
Đáng chú ý, công tác thi đua, khen thưởng được các đơn vị thành viên trong Cụm tích cực hưởng ứng, nhất là phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau" và "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới". Nhiều địa phương đã có cách làm hay trong phát triển BHXH, BHYT như: Đồng Tháp với mô hình "Bộ tứ" tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT; Long An với mô hình "Phụ nữ nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện"; Bến Tre với cách làm hay trong công tác vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền chính sách...
Bên cạnh những thành tích đạt được, các đơn vị trong Cụm Thi đua số 9 cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, trong đó có việc thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Nguyên nhân là do các địa phương thuộc khu vực Tây Nam Bộ, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên người tham gia BHXH tự nguyện phần lớn làm việc trong khu vực nông nghiệp, có thu nhập thấp; trong khi đó các nhóm tiểu thương, kinh doanh nhỏ lẻ có thu nhập không thường xuyên, không ổn định nên chưa mạnh dạn tham gia BHXH tự nguyện.
Ngoài ra, nhiều người dân chưa nhận thức rõ ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT, nên công tác tuyên truyền, vận động còn gặp khó khăn. Mặt khác, người nghèo, người cận nghèo và người DTTS sinh sống tại xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn của một số địa phương trong Cụm không còn được NSNN hỗ trợ đóng BHYT, nên gây khó khăn trong việc vận động những người dân nơi đó tham gia BHYT trở lại…
Cũng tại Hội nghị, đại diện BHXH các địa phương đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những mô hình, giải pháp hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Điển hình như: Giải pháp phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình mang tính bền vững; giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác tuyên truyền; giải pháp triển khai thực hiện Đề án 06...
Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Thanh Huyền- Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng đã chia sẻ với những khó khăn mà các đơn vị trong Cụm Thi đua số 9 gặp phải. Đồng thời, đề nghị BHXH các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các phong trào thi đua thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được BHXH Việt Nam giao, nhất là cần gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. "Trọng tâm thời gian tới của Cụm là cần phát triển người tham gia, nhất là BHXH tự nguyện, đẩy mạnh ứng dụng CNTT và cài đặt VssID... nhằm thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước năm 2023 do BHXH Việt Nam phát động"- bà Huyền nhấn mạnh.
Phạm Thọ