Print

Nhật ký “chống sốc” cho phụ huynh có con ở tuổi dậy thì

Thứ Tư, 26 /07/2023 09:43

Tác giả Vũ Minh Họa vừa ra mắt cuốn sách “Cong ăn cong- Thẳng ăn thẳng”. Cuốn sách là hành trình của một người mẹ đơn thân đối mặt với sự khủng hoảng tuổi dậy thì của hai cậu con trai. Đây có thể coi là cuốn nhật ký “chống sốc” cho các bậc phụ huynh đang có con ở tuổi dậy thì, giúp các bậc phụ huynh tìm thấy hình ảnh của mình trong cuốn sách, để đồng cảm cùng tác giả và hơn hết để đồng hành cùng con bước vào đời.

“Cong ăn cong- Thẳng ăn thẳng” dày 112 trang, do NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành. Sách được tác giả Vũ Minh Họa viết dưới dạng nhật ký của một người mẹ đối mặt với sự khủng hoảng của hai cậu con trai đến tuổi dậy thì. Đó cũng là sự khủng hoảng của một người mẹ luôn coi con là niềm vui, là lẽ sống sau khi hôn nhân tan vỡ… Câu chuyện xoay quanh hai cậu con trai cùng bước vào tuổi dậy thì với những trường đoạn mà có lẽ hầu hết các gia đình có con đến tuổi dậy thì hiện nay đều có thể gặp.

Cuốn sách bắt đầu bằng một tình huống khá oái oăm, bất ngờ với bất cứ bậc phụ huynh nào. Đó là khi cậu con trai cả hỏi mẹ “Mẹ… Con không có thấy thích con gái bằng con trai, kiểu cảm xúc của người khác giới dành cho nhau ý mẹ, mẹ có yêu con không?”. Đặt mình vào vị trí của người mẹ, bạn sẽ trả lời con như thế nào?

Tình huống mở đầu ấy cũng chính là lý giải cho tiêu đề gây tò mò “Cong ăn cong- Thẳng ăn thẳng”. Người mẹ chấp nhận tất cả, dù con của mẹ có thế nào thì vẫn là con của mẹ, cong ăn cong- thẳng ăn thẳng, miễn sao các con cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình, nhưng là những lựa chọn để trở thành người tử tế, là người có ích cho gia đình và xã hội.

Từ câu hỏi bắt đầu này, cuốn sách mở ra một chuỗi những khủng hoảng của cả con và mẹ. Với một người mẹ đơn thân, luôn coi con cái là niềm vui, là lẽ sống sau khi hôn nhân tan vỡ, cuộc sống tưởng chừng cứ thế trôi đi yên ả vì: “Hai con của tôi khi còn học trung học cơ sở rất chăm chỉ, thực hiện tốt nội quy của nhà trường và rất hiểu chuyện”. Nhưng rồi, gió, bão, sấm sét bắt đầu nổi lên khi “bước vào năm thứ 2 ngôi trường trung học phổ thông, các con tôi trở thành một phiên bản khác, một phiên bản đậm chất ổi xanh chát xít và ngang như cua càng, tôi luôn trong trạng thái căng như dây đàn, cảm xúc tồi tệ xuất hiện thường xuyên”.

Cứ thế, tác giả Vũ Minh Họa lần lượt kể lại những trường đoạn mà có lẽ các gia đình có con đến tuổi dậy thì đều có thể gặp như khi con biết yêu, hay khi nhà trường thông báo con bị kỷ luật, rồi khi con tự ý bỏ học vì nghĩ học chẳng để làm gì, lao ra đường kiếm tiền cho nhanh… Cả khi con thể hiện cái tôi cá nhân khi con nghĩ có tiền rồi thì mẹ không có quyền can thiệp vào chuyện tiêu pha của con; cả khi con cho mẹ “ra rìa”… Vô vàn những tình huống oái oăm mà các con đặt người mẹ vào chuyện đã rồi, trong đó có chuyện con trai thú nhận “Con không có thấy thích con gái bằng con trai”, là chuyện mà không phải gia đình có con ở tuổi dậy thì nào cũng gặp phải.

Đối mặt với những tình huống như vậy, mỗi gia đình sẽ có nhiều cách giải quyết khác nhau. Với người mẹ đơn thân trong “Cong ăn cong- Thẳng ăn thẳng”, ban đầu chị cũng vô cùng loay hoay tự vấn lương tâm: “Vẫn là những câu hỏi mẹ tự đặt ra cho chính mình, mẹ chưa đúng ở đâu, mẹ cần thay đổi điều gì? Những câu hỏi đè nặng tâm trí, dồn nén cảm xúc, mẹ không thể tập trung làm được việc gì”. Nhưng khi bình tĩnh lại, chị không mắng chứi, không sử dụng đòn roi, cũng không buông xuôi. Chị vừa khuyên nhủ, vừa kêu gọi tất cả những người có ảnh hưởng tới con đến khuyên nhủ cùng. Lúc thì chị làm trinh thám đi theo con, lúc thì chị làm nhà tâm lý thủ thỉ với con, chị dùng mọi cách để đưa con về quỹ đạo mà chị nghĩ là tốt cho các con của chị.

Và, ánh sáng cuối đường hầm của người mẹ đã lóe lên. Ấy là khi hai cậu con trai trở lại với trường học, và gần như trở về là những cậu bé “khi xưa”, lại bắt đầu cởi mở tâm sự với mẹ, ở một dạng thức khác- cao lớn hơn, trưởng thành hơn, bắt đầu kiếm được những đồng tiền chính đáng và có những thành công nhất định, được nhà trường và xã hội ghi nhận. Đó có lẽ là “phần thưởng” cho nỗ lực thấu hiểu, đồng hành cùng con của người mẹ. Chị đã xác định không bao giờ bỏ cuộc trong việc cùng con bước qua khủng hoảng tuổi dậy thì, vì chị biết nếu chị buông xuôi, các con của chị sẽ khó mà vượt qua được những cám dỗ ma mị luôn bủa vây giới trẻ.

Cuốn sách “Cong ăn cong- Thẳng ăn thẳng” có lẽ sẽ mãi mãi là một cuốn nhật ký ngủ yên trong góc tủ của một gia đình, nếu như tác giả Vũ Minh Hoạ không nhận ra có rất nhiều gia đình đang dở khóc, dở mếu như chị đã từng. Nhiều gia đình không tìm thấy lối thoát nào khác, cũng không biết tâm sự cùng ai. Chị quyết định xuất bản sách, với mong muốn “viết lại hành trình vượt qua thử thách tuổi vị thành niên cùng các con của mình để độc giả là những bậc phụ huynh hiểu hơn về sự thay đổi trong tính cách của trẻ ở độ tuổi này, còn độc giả là các con, các con sẽ thấu cảm cho sự lo lắng và quan tâm có chút hơi quá của bậc làm bố mẹ. Các bố mẹ hãy nắm tay con cùng con vượt qua thử thách tuổi vị thành niên suôn sẻ nhé”.

Chị Trương Thị Ngọc Lan, Biên tập viên NXB Phụ nữ, cũng là người chịu trách nhiệm biên tập cuốn sách nhận định: “Cong ăn cong- Thẳng ăn thẳng” của tác giả Vũ Minh Họa là câu chuyện rất đặc biệt, đem đến cho các phụ huynh cái nhìn chân thật. Tác giả đã cùng con sau bao nhiêu vật lộn ở tuổi dậy thì rồi cũng tìm được tiếng nói chung… Những tình huống chị Minh Họa đưa ra tôi nghĩ gia đình nào ít nhiều cũng có. Đặc biệt, cách chị xử lý tình huống, có lúc chị rất giòn, có lúc lại rất mềm mỏng, đặc biệt là làm bạn cùng con”.

TS.Trần Thị Thu Hiền- Phó Trưởng khoa Giới và phát triển (Học viện Phụ nữ Việt Nam) cũng bày tỏ: “Tôi đã được đọc những tác phẩm của tác giả trong 6 năm nay. Tôi đánh giá cao ý nghĩa cuốn sách này. Cuốn sách đã phản ánh, phân tích về quá trình thay đổi tâm sinh lý của tuổi dậy thì và sự thay đổi về mặt giới tính của con trẻ… Những điều mà tác giả viết là chính những trải nghiệm của một người mẹ, nên đã chạm đến trái tim của mỗi một bà mẹ. Giọng văn nhẹ nhàng, đôi khi viết mà không phải là viết, mà là những thứ rất đời, thực và sâu thẳm tình thương yêu”.

Minh Anh