Print

4.409 DVC trực tuyến được cung cấp trên Cổng DVC quốc gia

Thứ Tư, 26 /07/2023 12:06

Năm 2023 được xác định là năm hành động, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác và sử dụng dữ liệu để phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn.

Số liệu thống kê của Bộ Công an cho thấy, đến nay, Cổng DVC quốc gia đã cung cấp 4.409 DVC trực tuyến; có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng 1,76 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến (tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Bên cạnh đó, Bộ Công an đã ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Điển hình như: Cung cấp dịch vụ làm sạch dữ liệu cho CIC tổng số 41 triệu dữ liệu; thí điểm cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân; triển khai phần mềm quản lý lưu trú cho các cơ sở kinh doanh lưu trú và các BV trên toàn quốc từ tháng 3/2023, đã có 27.923 cơ sở lưu trú được làm sạch với 14.179 công dân sử dụng.

Bộ Công an cũng đã số hóa, tạo lập dữ liệu của ngành Tư pháp, LĐ-TB&XH để cắt giảm các TTHC, giúp người dân không phải mang theo nhiều loại giấy tờ. Với ứng dụng VNeID, hoàn toàn có thể để người dân tự tạo lập dữ liệu và đẩy về các bộ chuyên ngành xác thực, không cần đầu tư nhiều cho các bộ trong số hóa.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, hiện các DVC trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Nhiều DVC được người dân hưởng ứng tham gia với tỷ lệ cao, hàng năm tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 2.505 tỷ đồng chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết; đồng thời cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, người dân hạn chế đi lại, không tiếp xúc, không giấy tờ, không dùng tiền mặt, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”.

Nêu rõ một số kết quả đạt được, Thứ trưởng Ngọc cho biết, đến nay, Bộ Công an đã kết nối thành công 6/8 mục thông tin dữ liệu tổng hợp về dân cư giữa CSDL quốc gia về dân cư với Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; đồng thời đang tiếp tục phối hợp để cải thiện chất lượng, tần suất cập nhật dữ liệu cũng như hoàn thành các mục thông tin còn lại.

Cùng với đó, trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích hợp, xác thực, hiển thị các thông tin, giấy tờ cá nhân trên ứng dụng VNeID, dần thay thế việc cung cấp các giấy tờ cá nhân trong thực hiện các giao dịch TTHC. Tiếp tục hoàn thiện ứng dụng VNeID, đa dạng hóa các tiện ích và truyền thông để người dân tham gia sử dụng.

Rà soát, đánh giá việc triển khai phần mềm DVC liên thông, khắc phục các tồn tại, bảo đảm kết nối thông suốt; cập nhật, đồng bộ trạng thái hồ sơ với hệ thống thông tin giải quyết TTHC của địa phương. Ngoài ra, hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương khai thác, trích xuất dữ liệu công dân từ CSDL quốc gia về dân cư theo đúng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.  

T.Hà