Print

Trung Quốc: Xu hướng “những đứa con ở nhà cả ngày”

Thứ Tư, 26 /07/2023 13:01

Làm việc quá nhiều và kiệt sức, Julie bỏ công việc lập trình game ở Bắc Kinh để về làm "con gái toàn thời gian" từ tháng Tư.

Cô gái 29 tuổi hàng ngày nấu ăn, rửa bát cho cả nhà và làm việc vặt. Cha mẹ cô trả tiền cho hầu hết các chi phí sinh hoạt của con gái nhưng cô từ chối nhận lương tháng 2000 nhân dân tệ (280 USD). Ưu tiên hiện tại của Julie là xả hơi sau thời gian làm việc quần quật 16 tiếng mỗi ngày trước đó. "Tôi sống như một cái xác biết đi", cô tâm sự.

Giờ làm việc kéo dài và một thị trường việc làm ảm đạm khiến nhiều thanh niên ở Trung Quốc có những lựa chọn không theo truyền thống. Julie chỉ là một trong số ngày càng nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc tự nhận mình là "những đứa con toàn thời gian", trở về sống với cha mẹ sau một giai đoạn làm việc quá sức hoặc đơn giản là không kiếm được việc làm. 

Theo thống kê chính thức, khoảng 1/5 người trẻ ở độ tuổi 16-24 ở Trung Quốc không có việc làm, và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên hiện nay đang ở mức 21,3% - cao nhất kể từ khi số liệu này được công bố năm 2018, và chưa tính đến thị trường lao động ở nông thôn.

Nhiều người trong số "những đứa con toàn thời gian" cho biết họ chỉ định ở nhà tạm thời trong một khoảng thời gian để thư giãn, nhìn nhận lại bản thân rồi lại tiếp tục ra ngoài tìm việc làm. Nhưng thực tế có được một công việc không hề đơn giản. Nhiều cử nhân, kể cả thạc sĩ vẫn vất vả tìm việc bởi thị trường việc làm cạnh tranh quá lớn và áp lực ngày càng cao.

Julie đã gửi hơn 40 đơn xin việc tới các nhà tuyển dụng trong hai tuần qua nhưng mới được mời phỏng vấn ở hai nơi. "Trước khi tôi bỏ thì tìm việc đã khó rồi, giờ đây, tìm việc thậm chí còn khó hơn", cô cho biết.

Tình trạng kiệt sức khiến một số người đi làm trở thành "đứa con toàn thời gian" không phải là điều xa lạ. Văn hóa làm việc ở quốc gia tỷ dân thường được nói đến bằng con số 996- làm việc từ 9h sáng tới 9h tối suốt 6 ngày mỗi tuần.

Hiện cũng là "đứa con toàn thời gian", Chen Dudu đã bỏ việc ở một công ty môi giới bất động sản từ đầu năm nay vì cảm thấy kiệt sức và không được trả lương đúng mức. Cô cho biết mình gần như không còn đồng nào sau khi trả tiền thuê nhà. Khi trở về với cha mẹ ở miền nam Trung Quốc, Chen "sống như người về hưu" nhưng cô thấy ngày một lo âu hơn. Cô tâm sự thường nghe thấy 2 giọng nói khác nhau trong đầu: "Một giọng bảo tôi, hiếm khi được nhàn rỗi thế này, hãy tận hưởng đi. Một giọng khác lại thúc giục tôi nghĩ xem nên làm gì tiếp theo".

"Nếu cứ thế này thì tôi sẽ trở thành kẻ ăn bám", Chen chia sẻ. 

Tâm lý chán nản cũng khá phổ biến trong sinh viên đại học ở Trung Quốc, tới mức có sinh viên cố tình trượt kỳ thi tốt nghiệp chỉ để trì hoãn việc ra trường.

Trong những tuần qua, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập các bức ảnh khác thường thể hiện sự chán chường của sinh viên mới ra trường. Một số ảnh chụp các sinh viên "nằm thẳng cẳng" mặc trang phục tốt nghiệp, che mặt dưới chiếc mũ vuông; một số ảnh khác cho thấy họ giơ bằng tốt nghiệp trên thùng rác, sẵn sàng vứt chúng đi.

Một thời, học đại học là điều chỉ có giới tinh hoa ở Trung Quốc theo đuổi. Nhưng từ năm 2012 đến năm 2022, tỷ lệ vào đại học tăng từ 30% lên 59,6% khi ngày càng nhiều người trẻ coi tấm bằng đại học là chiếc vé cho các cơ hội tốt hơn trong một thị trường việc cạnh tranh gay gắt. Nhưng kỳ vọng đã nhường chỗ cho thất vọng khi thị trường việc làm giảm sút. Các chuyên gia nhận định, tỷ lệ thất nghiệp cho người trẻ nhiều khả năng sẽ xấu đi khi 11,6 triệu sinh viên mới tốt nghiệp tham gia thị trường lao động.

Ngọc Tuấn