Cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về việc làm đối với thanh niên
Đây kiến nghị tại Tọa đàm chuyên gia về việc làm đối với thanh niên, do Thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội tổ chức.
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Tạ Văn Hạ- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục nhấn mạnh, giải quyết việc làm cho NLĐ nói chung, thanh niên nói riêng là một trong những mục tiêu chính trong phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia; đồng thời vừa là vấn đề kinh tế, bảo đảm nguồn lực đầu vào cho phát triển, vừa là vấn đề xã hội hướng tới mục tiêu công bằng, tiến bộ.
Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều DN gặp khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong thanh niên ở mức cao, có thời điểm cao hơn gấp 3 lần thất nghiệp chung của cả nước.
Đồng thời, đã xuất hiện làn sóng sa thải NLĐ ở một số ngành; tình trạng rút BHXH một lần, làm thủ tục hưởng trợ cấp BH thất nghiệp tăng cao nhất từ trước đến nay, đã ảnh hưởng đến an sinh xã hội và đời sống của NLĐ sau này. Dự báo thời gian tới, hoạt động của DN tiếp tục gặp khó khăn, số thanh niên bị thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn ở mức cao.
Để kịp thời nắm bắt thực trạng này, Thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục đã thực hiện khảo sát chuyên đề về việc làm đối với thanh niên giai đoạn từ năm 2020 (sau dịch Covid-19) đến tháng 5/2023. Đoàn khảo sát đã nghiên cứu 14 báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, tổ chức quốc tế và 20 tỉnh, thành phố; 31 tham luận của Diễn đàn Chính sách về việc làm đối với thanh niên năm 2023; làm việc trực tiếp tại 3 tỉnh, thành phố; thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin báo chí, tài liệu có liên quan... Sau khi có dự thảo Báo cáo kết quả khảo sát, Thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục đã gửi xin ý kiến các cơ quan tham mưu của gần 20 bộ, ngành, địa phương...
“Các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng việc làm của thanh niên hiện nay; kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm cho thanh niên và việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan liên quan từ năm 2020 đến nay; đề xuất, kiến nghị nội dung, giải pháp giải quyết việc làm đối với thanh niên; hoàn thiện chính sách, pháp luật về việc làm đối với thanh niên; đồng thời góp ý kiến trực tiếp cho các nội dung dự thảo Báo cáo kết quả khảo sát về việc làm đối với thanh niên”- ông Hạ đề nghị.
Còn ông Nguyễn Sĩ Dũng- nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc làm cho thanh niên là vấn đề nóng bỏng hiện nay; đồng thời đánh giá dự thảo Báo cáo khảo sát đã được chuẩn bị chu đáo, có nhiều số liệu. Tuy nhiên, nên có phân tích, so sánh để đưa ra những nhận định xác đáng hơn. Việc làm hiện nay rất khác so với trước đây, do tác động của trí tuệ nhân tạo dẫn đến sự sa thải hàng loạt lao động, lao động sẽ bị thay thế bởi robot, trí tuệ nhân tạo. Do đó, chúng ta cần chuẩn bị cho lực lượng lao động thanh niên, đào tạo nguồn lao động trẻ để đón bắt xu thế này.
Bà Thị Thu Hương- Nghiên cứu viên Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng kiến nghị nên tập trung hỗ trợ DN hơn là hỗ trợ cá nhân NLĐ. Bởi, chỉ có hỗ trợ DN thì mới tạo việc làm bền vững cho NLĐ. Bên cạnh đó, cần có giải pháp trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho DN, đặc biệt tháo gỡ vướng mắc về TTHC và giảm hoạt động thanh tra, kiểm tra...
Tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ cho thanh niên, NLĐ và DN nhằm đảm bảo việc làm bền vững. Bên cạnh đó, cần sửa đổi Luật Việc làm liên quan nguồn vốn cho vay tạo việc làm cho thanh niên; bổ sung nhiều nguồn quỹ, nguồn ủy thác khác... cho khởi nghiệp; xem xét mở rộng đối tượng cho vay đối với những người không có BHXH.
Nguyệt Hà