Print

Thách thức mục tiêu có 1,5 triệu DN

Thứ Sáu, 28 /07/2023 10:33

Mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu DN là kỳ vọng của Chính phủ. Tuy nhiên, nhìn từ tình hình kinh tế trong nước và thế giới, thì mục tiêu đó vẫn khá xa vời- đó là chia sẻ của TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng.

* PV: Thưa ông, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có tới 100.000 DN rút lui khỏi thị trường. Ngoài nguyên nhân do “hậu đại dịch COVID-19”, còn nguyên nhân nào khiến các DN rút lui khỏi thị trường?

- TS.Nguyễn Trí Hiếu:

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 60.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước); 31.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 28,9%); 8.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 2,8%). Như vậy, sau nửa đầu năm 2023, đã có 100.000 DN đóng cửa.

TS.Nguyễn Trí Hiếu

Có thể thấy, COVID-19 để lại hậu quả không những cho thế giới, mà cả với Việt Nam. Các DN ở phía Nam đóng cửa hồi COVID-19 nay đã mở cửa trở lại, nhưng hoạt động không được nhộn nhịp như thời điểm trước đại dịch. Nhìn lại thị trường thế giới cho thấy, kể cả nước có nền kinh tế mạnh cũng đang co cụm lại sau đại dịch. Đây không chỉ là hậu quả của đại dịch, mà còn là hậu quả của chính sách tiền tệ của các nước phương Tây.

Thị trường xuất khẩu của Việt Nam sau COVID-19 cũng không còn như trước, bởi các thị trường xuất khẩu truyền thống, đặc biệt là Mỹ nhu cầu nhập khẩu hàng hoá giảm hơn. Với diễn biến khó khăn của thị trường thế giới và Việt Nam, việc sản xuất kinh doanh của các DN Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều, từ đó số DN bị đóng cửa, giải thể lớn.

* Theo lộ trình, đến năm 2025 cả nước phấn đấu có 1,5 triệu DN, nhưng đến nay mới có 857.500 DN. Để đạt mục tiêu đề ra, theo ông, liệu có khả thi?

- Đây vừa là thách thức và cũng là tham vọng lớn của Chính phủ. Làm sao có thể đến năm 2025 đạt được 1,5 triệu DN trong bối cảnh như hiện nay là cực kỳ khó khăn. Do đó, quan trọng là Chính phủ cần nâng tầm cho 857.500 DN hiện tại. Thời gian đến năm 2025 chỉ còn hơn 1,5 năm, nếu để tăng lên con số đó là khó khả thi.

Chúng ta đang đặt kỳ vọng quá nhiều định lượng mà quên đi định tính. Theo tôi, cần tăng cường “sức khoẻ tài chính” và năng lực kinh doanh của các DN hiện tại mới là vấn đề chính. Hiện nay, các DN suy yếu do thiếu vốn và “sức khoẻ tài chính” là mấu chốt vấn đề.

Trong tổng số DN hiện có, 95% là DNNVV, họ vô cùng khó khăn khi đi vay vốn, kể cả huy động vốn qua các kênh. Vốn đi vay lãi suất cao, trong khi ngân hàng khép hờ cánh cửa cho vay. Ngay cả thị trường trái phiếu riêng lẻ cũng đang đóng băng, trong khi điều quan trọng nhất hiện tại đối với các DN là tiền, vì nếu không có tiền thì sớm muộn cũng phải đóng cửa.

* Vậy, theo ông, để nâng tầm cho 875.500 DN hiện có, ngay từ bây giờ chúng ta cần làm gì?

- Hiện nay, việc huy động vốn trên thị trường rất khó; ngân hàng cho vay cũng giới hạn, chứng khoán thì lình xình rất khó hút dòng tiền, trái phiếu đóng băng. Trong tình trạng như thế, Chính phủ cần cải tổ hệ thống tín dụng, có nghĩa là thành lập trung tâm bảo lãnh tín dụng, có chi nhánh tại các địa phương. Đồng thời, phải cải tổ hệ thống bảo lãnh tín dụng để các cơ sở tín dụng cho vay, thì các DN mới có tiền để sản xuất kinh doanh.

Tiếp theo là cải tổ thị trường tài chính, đặc biệt thị trường trái phiếu để các DN có thể phát hành trái phiếu, thay vì đến ngân hàng vay tiền. Bên cạnh vấn đề tài chính, chúng ta phải đi tìm thị trường hàng hoá cho các DN. Thị trường nội địa sức tiêu thụ hàng hoá rất thấp, nên Chính phủ vừa đề xuất Quốc hội tiếp tục giảm thuế VAT xuống 8%. Theo tôi, thuế VAT phải giảm xuống 5% để DN có thể tiêu thụ nhiều hàng hoá, khi đó sẽ thúc đẩy các DN sản xuất.

Bên cạnh vấn đề thị trường nội địa cũng phải xem lại vấn đề đầu tư công- đây được xem như đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế. Còn đối với thị trường xuất khẩu, hiện chúng ta đang tập trung cho thị trường Mỹ và Châu Âu, nhưng 2 thị trường này đang co cụm. Vì vậy, chúng ta cần phải mở rộng thị trường mới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Minh Thắm (Thực hiện)