Print

Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang): Kỳ vọng phát triển BHXH tự nguyện sau mùa vải bội thu

Thứ Sáu, 28 /07/2023 14:26

Người dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa có một mùa vải bội thu, với doanh số hàng nghìn tỷ đồng. Do đó, đời sống, mặt bằng thu nhập của người dân trên địa bàn tiếp tục được nâng lên. Đây cũng là thời điểm để người dân có điều kiện được chăm lo an sinh dài hạn bằng việc tham gia BHXH, BHYT.

Từ mùa vải bội thu…

Theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn, năm 2023, trên địa bàn huyện có hơn 17,3 nghìn ha vải thiều, sản lượng đạt hơn 98 nghìn tấn. Diện tích vải thiều áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP lên tới hơn 13,3 nghìn ha (tăng 396 ha so với năm 2022), chiếm 77% tổng diện tích.

UBND huyện Lục Ngạn khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Tháng cao điểm vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện năm 2023

Kết thúc mùa vụ, toàn huyện đã tiêu thụ hết sản lượng vải thiều, với tổng giá trị sản xuất đạt hơn 3,3 nghìn tỷ đồng, trong đó tiêu thụ nội địa đạt 890 tỷ đồng, xuất khẩu đạt trên 2,4 nghìn  tỷ đồng. Ước có khoảng 230 nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch trải nghiệm vào mùa vải chín (khoảng 225 nghìn lượt khách trong nước và 5 nghìn lượt khách nước ngoài), tăng 130 nghìn lượt so với năm trước.

Đặc biệt, hình thức thu hoạch, thu mua vải thiều trực tiếp tại vườn và bán hàng trực tuyến của người dân tăng mạnh. Đã có hàng trăm lượt thương nhân, hàng nghìn lượt xe ô tô đến tận các thôn, xóm, hộ gia đình để thu mua, vận chuyển vải thiều đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố trong nước; giảm tình trạng ùn tắc giao thông.

Nhiều HTX, hộ sản xuất vải thiều cũng đã phát huy được tính năng động, sáng tạo trong khâu tiếp thị, quảng bá và đa dạng các hình thức bán hàng thông qua việc liên kết, hợp tác với các đơn vị, DN ngoài tỉnh. Đồng thời, mạnh dạn tổ chức các sự kiện nghệ thuật, vận dụng mô hình bán cây vải vườn nhà, mời các Tiktoker, YouTuber, Vlogger nổi tiếng về hợp tác livestream bán vải thiều, được dư luận đánh giá cao...

Theo ông Nguyễn Việt Oanh- Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn, năm 2023, sản xuất vải thiều của Lục Ngạn đạt bước tiến vượt bậc về chất lượng sản phẩm, qua các đợt đánh giá kiểm định, kiểm dịch rất khắt khe, tất cả các mẫu vải thiều đều đạt chỉ số an toàn cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đến các thị trường quốc tế.

"Huyện Lục Ngạn tổ chức rất bài bản các hội nghị, sự kiện và đoàn công tác đi xúc tiến, nắm bắt thị trường để thúc đẩy tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, trọng điểm là thị trường miền Nam, các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc"- ông Nguyễn Việt Oanh thông tin. Cũng theo ông Oanh, có thể nói, huyện Lục Ngạn đã có một vụ vải thiều thắng lợi, tiếp tục góp phần quan trọng nâng cao đời sống, tăng mặt bằng thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn.

Tăng tốc phát triển BHXH tự nguyện

Chia sẻ về mùa vải thiều bội thu, ông Bùi Nhị- Giám đốc BHXH huyện Lục Ngạn hào hứng nói: "Chúng tôi sẽ triển khai đợt cao điểm vận động BHXH tự nguyện từ tháng 8 tới, tranh thủ thời điểm bà con trong huyện vừa có nguồn thu nhập khá từ bán vải để vận động tham gia BHXH tự nguyện".

Cụ thể, theo lãnh đạo BHXH huyện, kế hoạch triển khai đợt cao điểm đã được lãnh đạo UBND huyện phê duyệt và chỉ đạo triển khai đến từng xã; thời gian sẽ thực hiện từ 1/8 đến hết 30/9/2023. Yêu cầu đề ra trong đợt cao điểm là phải triển khai sâu rộng đến từng địa bàn dân cư, thôn, tổ dân phố; có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan; phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo từ huyện đến cơ sở.

Trên tinh thần đó, BHXH huyện Lục Ngạn phấn đấu tăng mới 969 người tham gia BHXH tự nguyện trong đợt này. Dự kiến, trung bình mỗi xã được giao chỉ tiêu tăng mới khoảng 20-30 người tham gia BHXH tự nguyện; nhiều nhất vào khoảng 50 người và phải đạt chỉ tiêu trong 2 tháng tới đây. “Nếu các xã đều đạt chỉ tiêu theo kế hoạch UBND huyện giao, chúng tôi sẽ hoàn thành chỉ tiêu BHXH tự nguyện năm 2023 trước ngày 30/9/2023”- ông Nhị chia sẻ.

Lãnh đạo BHXH huyện Lục Ngạn cũng nhấn mạnh, trách nhiệm của cơ quan BHXH rất lớn, đóng vai trò chính trong việc đôn đốc, kiểm tra các xã, thị trấn triển khai, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đặc biệt, phải thường xuyên cập nhật kết quả để báo cáo với Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo huyện trước 16h hằng ngày.

Còn với lãnh đạo các xã, thị trấn, UBND huyện yêu cầu xây dựng kế hoạch thực hiện đợt cao điểm xong trước ngày 31/7 để tổ chức thực hiện, tập trung lãnh đạo hoàn thành chỉ tiêu được giao. Cùng với đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách địa bàn các thôn, tổ dân phố để nắm tiến độ triển khai; hằng tuần kiểm điểm tiến độ thực hiện để có giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển BHXH tự nguyện...

Ngoài ra, chỉ đạo hệ thống truyền thanh cơ sở phát thanh 2 lần/ngày trong suốt đợt cao điểm, để giúp người dân nắm rõ chế độ, chính sách BHXH tự nguyện và tích cực hưởng ứng tham gia. Quán triệt đến cán bộ, đảng viên tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người thân tham gia BHXH tự nguyện để tạo sự lan tỏa.

“Dù có thuận lợi lớn là người dân có nguồn thu nhập sau mùa vải bội thu, song vẫn sẽ có không ít khó khăn. Phát triển BHXH tự nguyện chưa bao giờ dễ dàng với các địa phương thuần nông như Lục Ngạn”- ông Nhị nói thêm về kế hoạch tới đây.

Cũng theo thông tin từ BHXH huyện Lục Ngạn, trong đợt cao điểm hưởng ứng Tháng triển khai vận động BHXH toàn dân (tháng 5/2023), mặc dù Lục Ngạn gặp không ít khó khăn, nhưng vẫn trong top các địa phương đạt kết cao, khi đạt 168% kế hoạch UBND tỉnh giao (734 người tham gia mới). Tính đến 18/7/2023, toàn huyện đã có 5.743/6.533 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 88% kế hoạch được giao năm 2023.

“Ở thời điểm tháng 5- đang vào mùa thu hoạch vải, nên đa số bà con trên địa bàn huyện rất bận. Công tác triển khai các hình thức vận động, tuyên truyền vì vậy ít nhiều bị hạn chế. Hy vọng trong đợt này, chúng tôi sẽ đạt kết quả cao hơn”- ông Bùi Nhị- Giám đốc BHXH huyện Lục Ngạn nêu quyết tâm.

Minh Đức