Một số loại thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí thông thường, chèn ép lên dây thần kinh và tủy sống, khiến người bệnh gặp phải các cơn đau nhức dữ dội kèm các triệu chứng khác.
Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, thể trạng của từng người và mục đích điều trị, thầy thuốc sẽ lựa chọn cách chữa thoát vị đĩa đệm phù hợp với từng cá thể.
Thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm chỉ là một trong những lựa chọn bên cạnh phương pháp vật lý trị liệu rất có hiệu quả và không cần dùng thuốc. Một số trường hợp có thể cần phải phẫu thuật nếu tình trạng lâm sàng cho phép và không còn sự lựa chọn nào khác.
Việc dùng thuốc chữa thoát vị đĩa đệm thường được sử dụng để giảm bớt triệu chứng khó chịu và dùng đồng thời với các phương pháp khác. Một số nhóm thuốc hay dùng là:
- Thuốc giảm đau thông dụng hay dùng nhất là Paracetamol. Thuốc này chỉ phù hợp với các trường hợp cơn đau ở mức độ nhẹ tới trung bình. Paracetamol hay bị lạm dụng để chữa các cơn đau cấp. Tuy nhiên, chú ý liều lượng và khoảng cách dùng thuốc để tránh ngộ độc, ảnh hưởng tới dạ dày, gan, thận…
- Thuốc chống viêm không Steroid (NSAID) được chỉ định trong trường hợp cơn đau không cải thiện khi dùng thuốc giảm đau thông thường. Nó có tác dụng vừa giảm đau, vừa giảm viêm sưng ở vị trí đĩa đệm. Cũng như các loại thuốc khác, người bệnh không được dùng quá liều. Biến chứng quá liều có thể kể tới là viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, suy giảm thị lực.
Các loại thuốc hay dùng và không cần kê đơn (bệnh nhân tự mua ở nhà thuốc) như: Ibuprofen (Motrin, Advil) hoặc Naproxen (Aleve, Naprosyn)... sẽ giúp giảm đau và giảm sưng. Tuy nhiên, cần lưu ý không dùng những loại thuốc này liên tục hơn 10 ngày mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi sử dụng với số lượng lớn hoặc trong một thời gian dài, các NSAID hay Paracetamol có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim hoặc chảy máu, cũng như ảnh hưởng tới dạ dày, gan, thận... NSAID gây ra nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng lâu dài và không kiểm sát chặt chẽ về cách sử dụng
- Một số thuốc giảm đau gây nghiện như Codein hoặc Oxycodone-Acetaminophen (Percocet) và Morphin cũng là một trong những lựa chọn ngắn hạn nếu những thuốc thông thường không có tác dụng. Vì đặc tính gây nghiện, nên loại thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn với mục đích giảm đau cho người bị thoát vị đĩa đệm trong trường hợp các loại thuốc khác không cải thiện đáng kể cơn đau.
- Nhóm thuốc có tác dụng giảm đau thần kinh bao gồm: Amitriptyline (Elavil, Vanatrip), Duloxetine (Cymbalta), Gabapentin (Neurontin), Pregabalin (Lyrica), Tramadol (Ultram). Các thuốc này được sử dụng trong trường hợp thoát vị đĩa đệm chèn ép dây thần kinh tọa, giúp hạn chế các cơn đau ở dây thần kinh. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có tác dụng phụ là gây chóng mặt và buồn ngủ. Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ về liều lượng, thời gian dùng thuốc phải nghỉ ngơi, không được làm các việc khác để tránh những hậu quả đáng tiếc trong xử lý công việc.
- Nhóm thuốc giãn cơ được sử dụng để giảm bớt tình trạng đau nhức khó chịu khi đĩa đệm bị thoát vị gây co thắt cơ. Các loại thuốc giãn cơ dùng trong trường hợp bị thoát vị đĩa đệm cần đáp ứng thêm các yêu cầu khác là không làm quá yếu lực cơ, ít ức chế hệ thần kinh trung ương- hay dùng là Diazepam, Metaxalone…
- Thuốc tăng tái tạo bao myelin hay dùng như Uridine, Cytidine được chỉ định trong điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ hoặc đôt sống lưng L4, L5. Thuốc tác động lên dây thần kinh ngoại biên bị nhân nhầy đĩa đệm chèn ép, giúp tái tạo bao myelin bao quanh, bảo vệ sợi dây thần kinh.
- Các thuốc bổ thần kinh như vitamin B1, B6, B12. Đây là các vitamin có tác dụng tốt cho hệ thần kinh, hỗ trợ giảm đau, tê bì do dây thần kinh bị nhân nhầy chèn ép. Nhóm thuốc này có thể được dùng lâu dài để cải thiện các triệu chứng bệnh liên quan đến thần kinh.
- Một số dạng thuốc giảm đau tại chỗ, dùng để tác động trực tiếp lên vùng bị đau do thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, chúng chỉ có tác dụng ở vùng nhỏ. Trước khi bôi hoặc dán cần phải vệ sinh vùng dùng thuốc sạch sẽ, đảm bảo rửa sạch tay sau khi dùng thuốc. Trên thị trường nhà thuốc có bán các loại như kem Capsaicin, Gel, miếng dán Lidocain…
Các thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm có nhiều loại không cần kê đơn, người bệnh có thể tự mua tại nhà thuốc. Tuy nhiên, khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, kể cả các thuốc dân gian, y học cổ truyền… người bệnh nên tham khảo ý kiền của các thầy thuốc chuyên khoa để dùng thuốc có kiểm soát.
Một số phương pháp tự phục hồi chức năng tại nhà bằng các dụng cụ như đai đeo lưng, đai dây treo kéo giãn cột sống, nghỉ ngơi… cần được sử dụng đúng cách và khoa học để hỗ trợ điều trị tốt cho người bị thoát vị đĩa đệm.
ThS.Lê Quốc Thịnh