Print

Rối loạn ăn uống: Dấu hiệu, triệu chứng và cách xử trí

Thứ Hai, 31 /07/2023 14:30

Theo một nghiên cứu mới đây cho thấy, số ca rối loạn ăn uống (eating disorder) đã tăng lên đáng kể kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.

Rối loạn ăn uống được định nghĩa là một tình trạng sức khỏe tâm thần khi một người sử dụng khả năng kiểm soát thức ăn để giúp đối phó với cảm giác khó khăn và các tình huống khác. Bất kỳ ai cũng có thể mắc chứng rối loạn ăn uống nhưng nhóm tuổi phổ biến nhất là thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi.

Có nhiều loại rối loạn ăn uống khác nhau, có thể kể đến: Chán ăn tâm thần (người bệnh kiểm soát cân nặng bằng cách ăn không đủ chất, tập thể dục quá nhiều hoặc cả hai); Chứng ăn-ói, hoặc Bulimia, tức là người bệnh ăn nhiều rồi thanh lọc bằng cách nôn ra; Chứng cuồng ăn vô độ, người bệnh giải tỏa căng thẳng (stress) bằng cách ăn uống không kiểm soát… Ngoài ra, có “rối loạn ăn uống nói chung” (OSFED), bao gồm chán ăn không điển hình (người bệnh có tất cả các triệu chứng chán ăn nhưng cân nặng vẫn ở mức khỏe mạnh); hội chứng ăn đêm (ăn nhiều vào ban đêm hoặc sau bữa ăn tối)… và rối loạn thanh lọc (người bệnh dùng thuốc nhuận tràng/thuốc giảm cân để kiềm chế ăn uống, giữ dáng).

Người bị rối loạn ăn uống các loại có một số triệu chứng như bỏ bữa và ăn rất ít; tránh bất kỳ loại thực phẩm nào được cho là sẽ làm tăng cân; nói dối về những gì đã ăn; dùng thuốc để ức chế sự thèm ăn; tập thể dục quá sức; sợ tăng cân; chế độ ăn uống nghiêm ngặt về dinh dưỡng; luôn cảm thấy mình quá cân; ỳ trệ, mệt mỏi; đầy hơi, táo bón, đau bụng; rụng tóc; ăn uống vô độ sau đó nôn ra... Đặc biệt, với chứng cuồng ăn vô độ, thì có thể thay đổi tâm trạng; nghĩ về thức ăn liên tục; ăn nhiều trong thời gian ngắn và không thể dừng lại khi no; ăn ngay cả khi không đói; ăn trong giấu giếm; cảm thấy ghê tởm, chán nản hoặc tội lỗi sau khi ăn uống vô độ…

Mặc dù nguyên nhân của chứng rối loạn ăn uống rất phức tạp và thường không biểu hiện rõ nhưng các chuyên gia cho biết:

Tiền sử gia đình: Nguy cơ xuất hiện rối loạn ăn uống sẽ tăng lên nếu trong gia đình có thành viên (cha mẹ, anh chị em) đã hoặc đang mắc rối loạn ăn uống. Điều này gợi ý rằng yếu tố di truyền có thể là nhân tố làm tăng khả năng xuất hiện các rối loạn ăn uống.

Chế độ ăn kiêng: Nhiều người bị chứng cuồng ăn vô độ có tiền sử đã từng ăn kiêng. Ăn kiêng hoặc ăn theo chế độ giới hạn năng lượng trong ngày có thể khởi phát thèm muốn ăn vô độ, đặc biệt là khi bản thân có xuất hiện các dấu hiệu của trầm cảm.

Các vấn đề tâm thần: Một số người mắc chứng ăn vô độ có cảm giác tiêu cực về bản thân, về năng lực cũng như kết quả đã đạt được. Các yếu tố có thể gây khởi phát ăn vô độ bao gồm áp lực căng thẳng, tự ti về ngoại hình, có sẵn nhiều đồ ăn ưa thích...

Để điều trị sẽ mất thời gian và quá trình phục hồi sẽ khác nhau tùy thuộc vào tinh thần, thể trạng của mỗi người. Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên gặp bác sỹ gia đình, bác sỹ tâm lý hoặc chuyên gia dinh dưỡng để thăm khám và có các bước tiếp theo để phục hồi. Mục tiêu điều trị giảm thiểu rối loạn ăn uống để qua quá trình điều trị, người bệnh có thể lấy lại được sự kiểm soát đối với việc ăn uống. Tùy chẩn đoán và phác đồ điều trị, bác sỹ, chuyên gia bằng kê thuốc và dùng các liệu pháp tâm lý, sẽ hỗ trợ người bệnh thay đổi thói quen ăn uống, duy trì thói quen ăn uống lành mạnh và có thực đơn tốt nhất cho sức khỏe.

Tùng Anh