Liên thông TTHC “3 trong 1” thuận tiện cho người dân
TP.Hà Nội là 1 trong 2 địa phương được áp dụng thí điểm 2 nhóm dịch vụ công liên thông, gồm: Đăng ký khai sinh- Đăng ký thường trú- Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử- Xóa đăng ký thường trú- Trợ cấp mai táng phí.
Đây là 2 trong 4 nhóm dịch vụ công cần liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành theo Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ. Đến nay, nhiều người dân đã được thụ hưởng những tiện ích “3 trong 1” này.
Thuận tiện cho người dân
Sau khi có người nhà qua đời, ông N.V.N (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến trụ sở UBND phường làm thủ tục đăng ký khai tử cho người thân của mình. Không phải khai báo hàng loạt biểu mẫu như trước đây, chỉ với vài thao tác đơn giản trên cổng dịch vụ công (DVC) trực tuyến, thông tin của gia đình ông đã được đối soát với CSDL quốc gia về dân cư. Ông N. hoàn thành nhanh việc đăng ký khai tử cho người thân của mình.
Còn anh Đ.T.H. đến UBND phường để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con gái mới sinh. Với sự hướng dẫn của cán bộ tư pháp, anh H. cũng nhanh chóng hoàn thành xong thủ tục đăng ký khai sinh. Thay vì phải mất nhiều thời gian di chuyển qua nhiều cơ quan hành chính, khai báo các loại giấy tờ như trước đây thì nay anh chỉ cần đăng ký 1 lần trên Cổng DVC quốc gia, thông tin về 3 loại giấy tờ của con gái anh đã hoàn thành, gồm: Giấy khai sinh, thẻ BHYT và đăng ký thường trú.
Hà Nội là địa phương có quy mô dân số đứng thứ 2 cả nước với gần 9 triệu người; tốc độ gia tăng dân số cơ học hằng năm khoảng 1,4%; bình quân mỗi năm có trên 120.000 trẻ em được sinh ra và trên 34.000 người chết. Vì vậy, việc liên thông TTHC 3 trong 1 càng có ý nghĩa lớn. Người dân được giảm bớt các giấy tờ, thời gian giải quyết, đơn giản hóa TTHC, giảm thời gian đi lại và có thể theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ. Đây là những TTHC gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và liên quan trực tiếp đến đời sống, an sinh của người dân.
Nêu cao tinh thần phục vụ
Nhận thức được tầm quan trọng của việc liên thông 2 nhóm DVC, ngay từ khi nhận được sự chỉ đạo, BHXH Thành phố đã tập trung chỉ đạo Văn phòng, các phòng nghiệp vụ, BHXH các quận, huyện, thị xã chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan ở địa phương để tổ chức triển khai thực hiện.
BHXH Thành phố phối hợp với Công an Thành phố, Sở Tư pháp và các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố ban hành 3 văn bản chỉ đạo, triển khai Đề án 06 và 2 nhóm TTHC liên thông. Các nội dung chỉ đạo thống nhất, hướng dẫn triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ và Quyết định ban hành quy trình thí điểm thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông.
Đồng thời, tổ chức 2 Hội nghị tập huấn viên chức các phòng nghiệp vụ, BHXH các quận, huyện, thị xã về quy trình, hồ sơ thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông; yêu cầu viên chức nắm chắc quy trình, thực hành thao tác thành thạo để kịp thời hỗ trợ cán bộ xã và người dân trong quá trình thực hiện; Phân công cán bộ xuống tận xã, phường, thị trấn để truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ và người dân thực hiện các TTHC liên thông trên.
Đến nay, đối với TTHC liên thông Đăng ký khai sinh- Đăng ký thường trú- Cấp thẻ BHYT, BHXH TP.Hà Nội đã cấp và trả thẻ BHYT cho 36.972 trường hợp. Thủ tục cấp và trả thẻ BHYT đảm bảo đúng quy định tại bộ phận “Một cửa” của UBND xã, phường, thị trấn hoặc thông qua dịch vụ Bưu điện.
Còn đối với TTHC liên thông Đăng ký khai tử- Xóa đăng ký thường trú- Trợ cấp mai táng phí, BHXH TP.Hà Nội đã tiếp nhận, giải quyết và chi trả trợ cấp mai táng phí cho 341 trường hợp. Thân nhân của người mất sau khi nộp hồ sơ qua Cổng DVC trực tuyến thì nhận kết quả giải quyết theo hình thức nhận trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc qua dịch vụ Bưu chính (tùy theo người dân đã đăng ký); nhận tiền mai táng phí qua tài khoản cá nhân hoặc nhận tiền mặt tại cơ quan BHXH.
Theo ông Vũ Đức Thuật- Phó Giám đốc BHXH Hà Nội, trong thời gian đầu thực hiện thí điểm, người dân hiện vẫn có tâm lý, thói quen muốn đến trực tiếp cơ quan nhà nước làm TTHC, để được hỏi- đáp, trao đổi, hướng dẫn cụ thể về các loại hồ sơ và giấy tờ có liên quan. Ngoài ra, đây là quy trình thực hiện mới nên bước đầu người dân còn bỡ ngỡ, lúng túng khi kê khai, đặc biệt là những người lớn tuổi và những người ít tiếp xúc với công nghệ thông tin, khiến cán bộ xã, phường phải mất nhiều thời gian hướng dẫn...
Cũng theo ông Vũ Đức Thuật, kinh nghiệm cho thấy, để triển khai thành công Đề án 06 và thí điểm 2 nhóm TTHC liên thông, cần có sự quan tâm lãnh đạo của BHXH Việt Nam, của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và sự ủng hộ, phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cùng sự nỗ lực của cán bộ CCVC cơ quan BHXH; Cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chuyển đổi số, Đề án 06 và từ đó tích cực thực hiện.
Từ thực tiễn, BHXH TP.Hà Nội đề nghị bổ sung trên Cổng DVC chức năng tra cứu để các cơ quan tham gia giải quyết TTHC liên thông phối hợp trao đổi thông tin, giải quyết vướng mắc về thành phần hồ sơ; thêm chức năng theo dõi tình hình giải quyết hồ sơ. Đồng thời, bổ sung công cụ tìm kiếm mã Ngân hàng để thuận tiện cho người dân kê khai. Bởi trên thực tế, dù cơ quan BHXH đã vận động, khuyến khích người dân nhận trợ cấp bằng hình thức tài khoản cá nhân, nhưng nhiều người vẫn lựa chọn hình thức nhận tiền mặt tại cơ quan BHXH. Lý do là, việc tìm kiếm ngân hàng khi kê khai trên Cổng DVC quốc gia hiện không hề dễ. Về lâu dài, cần liên thông cả thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp tuất để người dân không phải giao dịch 2 lần…
Châu Anh