Print

Nắng nóng kỷ lục ở Mỹ: Người nghèo càng khốn khổ

Thứ Năm, 03 /08/2023 10:18

Các đợt nắng nóng ngày càng kéo dài và gay gắt chưa từng có trên khắp đất Mỹ đang khiến những gười nghèo ở nước này vô cùng khổ sở. Điều hòa không khí, một thời được xếp vào hàng xa xỉ, giờ trở thành vấn đề sống còn.

Nhiều khu vực của Mỹ phải đối mặt với nắng nóng kinh hoàng nhiều ngày qua. Điển hình là thành phố Phoenix thuộc bang Arizona với 31 ngày liên tiếp ghi nhận nhiệt độ vượt mức 43,4 độ C, mãi đến 30/7 mới có mưa làm trời dịu đi chút ít. Tuy nhiên, đợt hạ nhiệt này được dự báo chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi trời lại oi ả và có thể còn nóng hơn nữa trong tháng 8.

Một phân tích của Đại học Boston về 115 thành phố lớn của Mỹ cho thấy, chịu tác động nặng nề nhất của loại hình thời tiết này là những người nghèo khó, người thu nhập thấp và vô gia cư. Trong đợt nóng vừa qua, đã có 9 người chết trong nhà ở Phoenix do không có máy điều hòa hoạt động hoặc điều hòa bị tắt.

Hãng tin AP dẫn báo cáo cho biết, khoảng 40% trong số 425 ca tử vong liên quan nắng nóng trong năm 2022 tại hạt Maricopa là người vô gia cư không thể tiếp cận các hệ thống làm mát. Theo đại diện trung tâm dịch vụ an sinh khu vực, Amy Schwabenlender, nếu xu hướng này tiếp diễn, số ca tử vong liên quan nắng nóng trong năm 2023 sẽ tăng.

"Sự khác biệt về nhiệt độ... giữa những khu dân cư có thu nhập thấp hơn, khu dân cư của người da màu với các khu dân cư giàu có hơn và khu người da trắng gây ra những hậu quả khá nghiêm trọng. Có những hậu quả thực sự lớn như cái chết…". Cate Mingoya-LaFortune, thành viên tổ chức tư pháp môi trường Groundwork USA, nói.

Nắng nóng kéo dài còn khiến người nghèo ở các đô thị chịu đựng tình trạng đảo nhiệt. Nhóm nghiên cứu Climate Central tuần trước ra báo cáo phản ánh tình trạng hơn 40 triệu người Mỹ tại các thành phố đang trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt hơn so với ở các vùng nông thôn, nguyên nhân chủ yếu là do hiện tượng "đảo nhiệt đô thị". Nguyên nhân là các tòa nhà cao tầng, vỉa hè bê tông, bãi đậu xe và các cơ sở hạ tầng khác lấp đầy các bãi đất trống, hấp thụ và lưu giữ nhiệt lâu hơn, khiến mức độ nóng bức càng cao. Và khi nhiệt độ tăng, chi phí làm mát cũng tăng. Và ở các khu dân cư có thu nhập thấp của Mỹ thì nhiệt độ thường nóng hơn.

Kết quả là người nghèo phải chật vật chống chọi với nắng nóng, bởi họ thường làm các công việc lao động chân tay, chủ yếu là ở ngoài trời và không có nhiều các biện pháp bảo vệ bản thân trước nhiệt độ tăng cao.

Hàng tỷ đôla từ quỹ liên bang đã được phân bổ để trợ cấp chi phí tiện ích và lắp đặt hệ thống làm mát, nhưng theo các chuyên gia, chúng chỉ giúp ích được một phần nhỏ cho các gia đình dễ bị tổn thương nhất. Hơn thế, một số tiện ích có chi phí trả trước quá cao. Lắp đặt một hệ thống bơm nhiệt tập trung để sưởi ấm và làm mát có thể ngốn tới 25.000 USD.

Ngày 27/7 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã công bố các bước chống lại nắng nóng cực đoan, nhấn mạnh việc mở rộng Chương trình hỗ trợ năng lượng cho gia đình có thu nhập thấp, theo đó tiền được chuyển đến các tiểu bang giúp các hộ nghèo chi trả hóa đơn.

Michelle Graff, chuyên gia nghiên cứu về trợ cấp tại Đại học Bang Cleveland, cho rằng chương trình này rất quan trọng nhưng trên thực tế chỉ tiếp cận được khoảng 16% dân số đủ điều kiện của quốc gia. Gần một nửa số bang không cung cấp tiền quỹ liên bang để làm mát trong mùa hè. Bà cho biết, tiết trời lạnh giá và hóa đơn sưởi ấm cao đã sinh ra thuật ngữ "sưởi ấm hoặc ăn" còn giờ đây người ta có thể nói "dùng điều hòa hoặc ăn"- nghĩa là mọi người phải đưa ra những quyết định khó khăn.

Theo một nghiên cứu của Viện Brookings, cứ 10 hộ gia đình ở Hoa Kỳ thì có một hộ gia đình không có điều hòa nhiệt độ. Chưa đến 4% hộ gia đình da trắng ở Detroit không có máy lạnh, và con số này là 15% ở các hộ gia đình người da màu.

Hoàng Dương