Print

Phát huy thế mạnh địa phương từ liên kết vùng

Thứ Năm, 03 /08/2023 16:13

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, liên kết vùng không chỉ giúp DN, HTX nắm bắt thị trường mà còn đưa sản phẩm thế mạnh địa phương tới hệ thống phân phối.

Chia sẻ tại Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương tổ chức sáng 3/8, tại Hà Nội, ông Hoàng Anh Tuấn- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhìn nhận: thực tiễn phát triển đất nước đang đặt ra một số vấn đề cần thiết mà một địa phương không thể tự giải quyết được. Do vậy, đòi hỏi các địa phương, các vùng phải đẩy mạnh liên kết, tận dụng cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để phát triển kinh tế vùng, nội vùng, đồng thời cùng giải quyết những vấn đề chung liên quan đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình kinh tế- xã hội trong nước và trên thế giới còn nhiều biến động thì vấn đề liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm của DN, HTX lại càng trở thành vấn đề cấp bách. Nhất là sau tác động của đại dịch Covid-19, trong hơn 2 năm qua càng cho thấy liên kết vùng còn nhiều tồn tại, hạn chế phải sớm được khắc phục, hoàn thiện về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, chuỗi giá trị sản phẩm…

Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, sau Nghị quyết này, các chủ thể liên quan, bao gồm các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN, HTX, hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, hộ gia đình...đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động liên kết vùng. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng bước đầu phát huy được hiệu lực và hiệu quả. Nhìn từ góc độ thị trường trong nước, các cơ chế chính sách về liên kết vùng đã đạt được những kết quả như: Đẩy mạnh kết nối cung cầu thông qua các Chương trình, Đề án cấp quốc gia và địa phương; Tổ chức triển khai tốt các quy hoạch về hạ tầng thương mại; Lồng ghép liên kết vùng phát triển thị trường nội địa trong các lĩnh vực, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế- xã hội khác…

Mặc dù vậy, “thực tế cho thấy các địa phương hiện nay đều đang tận dụng những lợi thế sẵn có của mình để phát triển kinh tế nhanh hơn. Kết quả là, mặc dù các tỉnh đã có chương trình ký kết hợp tác nhưng vẫn chưa khai thác hết các điều khoản đã ký kết”, ông Hoàng Anh Tuấn đánh giá. Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, tính lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa vượt trội; các vùng khó khăn phát triển thiếu bền vững, khoảng cách giữa các vùng chưa được thu hẹp; liên kết vùng còn yếu, nhất là giữa các tỉnh và thành phố. Chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng là yếu tố quan trọng đặc biệt để bảo đảm cho liên kết vùng có hiệu quả nhưng lại là khâu chưa được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng hiện nay. Cách phân vùng kinh tế- xã hội còn nhiều mặt hạn chế, chưa phát huy được lợi thế so sánh từng vùng theo chuỗi giá trị sản phẩm, các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thịnh- Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng: các vùng trên cả nước nói chung đều thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Theo tính toán, đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 HTX và 120.983 tổ hợp tác (THT), trong đó có 76.456 THT nông nghiệp, thì việc liên kết vùng sẽ giúp các HTX, THT hoạt động hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô. Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam tin rằng, nếu có sự liên kết vùng một cách thực chất và hiệu quả hơn thì kinh tế của các địa phương sẽ phát triển lớn mạnh hơn và các DN, HTX cũng phát huy được vai trò, tiềm năng của mình. “Điều mà chúng ta cần làm trong thời gian tới là phải bứt phá khỏi cách làm cũ, nhất là cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau”, ông Thịnh nói. Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.

Tham gia thảo luận về vấn đề này, TS.Trần Thị Hồng Minh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khuyến nghị: các DN, HTX cũng phải tư duy và chuyển đổi mạnh mẽ hơn, theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết với các DN ở các địa phương khác trong vùng. Hội nhập cũng buộc từng địa phương và từng vùng ở Việt Nam phải hiểu rõ thế mạnh, tiềm năng, sự khác biệt của từng vùng, phải có sự sắp xếp, phân công lao động hợp lý trong từng vùng.

Góp ý thêm về giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, cần hình thành được một hệ thống trung tâm logistics cơ bản hoàn chỉnh, có tính liên kết cao, ưu tiên xây dựng được một số trung tâm logistics lớn ở các vùng kinh tế trọng điểm để làm động lực cho các chuỗi cung ứng của Việt Nam; hỗ trợ các DN tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản để tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ...

Đặc biệt, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cần có chính sách hỗ trợ DN, HTX, hộ nông dân các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung- cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh hướng đến ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung về sản phẩm, hạn chế tổn thất cho người nông dân; nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Duy trì, đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương, đồng thời kết nối giữa DN sản xuất, phân phối của các tỉnh, thành phố với nhau...

Thái An