Print

Cần làm rõ những điểm sáng nổi bật của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững

Thứ Sáu, 04 /08/2023 14:29

Thời gian qua, kết quả giảm nghèo nhanh được LHQ đánh giá cao. Vì vậy, cần làm rõ những điểm sáng nổi bật trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

Sáng 4/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương- Trưởng Đoàn Giám sát của Quốc hội Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030 đã làm việc với Bộ LĐ-TB&XH.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ LĐ-TB&XH làm rõ kết quả nổi bật của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, biểu hiện cụ thể là những vấn đề gì, thành tích giảm nghèo của các vùng và từng địa phương ra sao, trước khi giám sát thế nào, từ khi Quốc hội giám sát tối cao đến nay, kết quả nổi bật nhất của Bộ và các địa phương là gì, kết quả tháo gỡ 27 vấn đề của Bộ theo Công điện 71 của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề triển khai Nghị định 38 của Bộ thế nào, Thông tư hướng dẫn của Bộ đến nay ra sao… “Bộ làm rõ khó khăn, hạn chế, tồn tại cơ bản của CTMTQG giảm nghèo bền vững có liên quan đến 2 Chương trình còn lại, đánh giá lại tính thực chất và tính bền vững, chỉ tiêu nghèo đa chiều đã phù hợp chưa, tại sao thời gian qua hộ cận nghèo tăng lên, nguyên nhân của tình trạng này?”- Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.

Xung quanh vấn đề vốn, làm rõ có hay không câu chuyện cào bằng, sự manh mún, dàn trải của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, có hay không chưa phân bổ vốn? Bởi thực tế cho thấy rất khó huy động vốn trong dân, tuy nhiên vẫn có những địa phương huy động vốn rất tốt (như tại Nghệ An…). Bên cạnh đó, cần phân tích rõ nguyên nhân chủ quan (ngoài những nguyên nhân khách quan); làm rõ có hay không “bội thực văn bản”, có hay không giấy phép con, cát cứ, có hay không tình trạng sợ sai, không dám làm từ Trung ương đến cơ sở, có hay không tình trạng chỉ đạo tháo gỡ tuy cố gắng nhưng chưa quyết liệt và hiệu quả?...

Thảo luận tại cuộc làm việc, thành viên Đoàn Giám sát đánh giá cao Báo cáo của Tổ Công tác và Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH về việc triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; đồng thời cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành hữu quan, các địa phương đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được Quốc hội giao, đạt được những kết quả bước đầu, nhất là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung để thực hiện Chương trình, góp phần thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều hằng năm, cải thiện cuộc sống người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến Đoàn giám sát cho rằng, nhiều văn bản của 03 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, trong đó có Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ban hành chậm, nội dung ban hành còn có vướng mắc, bất cập cả ở cấp trung ương và địa phương, do đó việc triển khai thực hiện còn có hạn chế, nhất là các quy định tại Nghị định 27/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương vẫn giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện Chương trình. Đến năm 2023, nguồn vốn sự nghiệp Trung ương, nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và huy động hợp pháp khác tuy đã bố trí song tỷ lệ còn thấp so với kế hoạch vốn quy định tại Nghị quyết số 24. Do đó, Đoàn giám sát đề nghị cần sớm có giải pháp thúc đẩy việc bố trí, huy động các nguồn vốn này đạt kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, cần phân tích, đánh giá, làm rõ hơn hiệu quả hoạt động của BCĐ Trung ương, BCĐ địa phương của các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trong việc quản lý, tổ chức và điều hành các Chương trình Mục tiêu Quốc gia; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chủ quản thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, giữa các cơ quan chủ quản Chương trình với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính….; trách nhiệm và sự chủ động, tích cực của các cơ quan chủ quản thực hiện Chương trình (Bộ LĐ-TB&XH), người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

ĐB Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến ngày 30/6/2022 có những văn bản nào liên quan đến giảm nghèo bền vững chưa được ban hành ở các bộ, ngành ở Trung ương và đến ngày 15/6/2023 còn những văn bản nào chưa được sửa đổi, bổ sung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ? Đề nghị Bộ làm rõ thêm về tỷ lệ hộ nghèo DTTS trên tỷ lệ hộ nghèo trong thời gian qua biến động như thế nào. Đồng thời, cho biết nguyên nhân nào để đạt được các chỉ tiêu về giảm nghèo cũng như các giải pháp để giải ngân hết số vốn giai đoạn 2021- 2023. “Bộ LĐ-TB&XH cho biết thêm thông tin về tình hình vốn đối ứng của các địa phương và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác cho CTMTQG giảm nghèo bền vững”- ĐB Tiến đề nghị.

Cũng tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH giải trình làm rõ các vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm như về tính bền vững của CTMTQG giảm nghèo, về nguồn vốn, về tình trạng manh mún, đầu tư dàn trải, phân tán… Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và Kiểm toán Nhà nước cũng giải trình làm rõ một số nội dung liên quan.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Bộ LĐ-TB&XH rất tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như trong việc trả lời Công điện 71 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, kết quả giảm nghèo nhanh- đây là kết quả đạt được mà nhân dân đồng tình và Liên hợp quốc đánh giá cao. Do đó, đề nghị Báo cáo của Bộ cần làm rõ những điểm sáng nổi bật trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Bộ làm rõ một số tồn tại, hạn chế cơ bản của CTMTQG giảm nghèo bền vững như tình trạng cào bằng, đầu tư manh mún, dàn trải, tình trạng “giấy phép con,” cát cứ, việc phối hợp với các bộ ngành chưa đồng bộ, khó huy động vốn đối ứng, các vấn đề về thực tiễn- năng lực của cán bộ các cấp, tâm lý sợ sai, tính bền vững của Chương trình…

V.Thu