Print

Người lao động Australia đòi quyền làm việc từ xa vĩnh viễn

Thứ Ba, 08 /08/2023 07:36

Trong khi giới lãnh đạo các công ty lớn trên thế giới kêu gọi chấm dứt làm việc từ xa, các công đoàn ở Australia quyết đấu tranh cho quyền làm việc từ xa vĩnh viễn.

Thời gian qua, nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn, từ Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon đến ông chủ Tesla và Twitter Elon Musk, đều đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt việc sắp xếp làm việc từ xa vốn phổ biến trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Trong nỗ lực phản đối điều này, các công đoàn ở Australia đang tạo tiền lệ khi đưa ngân hàng lớn nhất của đất nước ra tòa và tranh cãi với chính phủ liên bang, yêu cầu cho phép làm việc từ nhà vĩnh viễn.

Mới đây, nhân viên tại Ngân hàng Thịnh vượng chung Australia đã đệ đơn kiện đơn vị tài chính trị giá 114 tỷ USD này ra tòa để phản đối yêu cầu làm việc tại văn phòng một nửa thời gian.

Vào tháng 4, Giám đốc điều hành của ngân hàng lớn thứ ba ở đất nước này- Ngân hàng Quốc gia Australia đã yêu cầu 500 quản lý cấp cao trở lại làm việc toàn thời gian. Tuy nhiên, đến tháng 7, ngân hàng này đã đồng ý với một thỏa thuận cho phép tất cả người lao động, trong đó có cả 500 người quản lý, có quyền yêu cầu làm việc từ xa trong hầu hết các trường hợp. Cùng thời điểm, công đoàn lĩnh vực công đã đạt được thỏa thuận cho phép 120.000 nhân viên liên bang của Australia làm việc tại nhà không giới hạn số ngày.

Không chỉ ở Australia, nhiều nơi khác cũng đang chứng kiến xu hướng đòi quyền làm việc từ xa. Hồi tháng 5, các nhân viên liên bang của Canada đã có cuộc đình công kéo dài hai tuần liên quan đến một thỏa thuận về tiền lương mà không có các biện pháp bảo vệ quyền làm việc từ xa mà họ mong muốn.

Tại Liên minh châu Âu, các nhà lập pháp vẫn đang đàm phán về những thay đổi để hình thức làm việc từ xa phù hợp với nền kinh tế hậu phong tỏa.

Theo ông Mathias Dolls- Phó Giám đốc Trung tâm kinh tế vĩ mô ifo tại Đức, mặc dù số ngày làm việc từ xa mà người lao động mong muốn là khác nhau giữa các quốc gia và ngành nghề, sự chênh lệch giữa nhu cầu làm việc từ xa của nhân viên và yêu cầu quay lại văn phòng của chủ lao động là một hiện tượng xảy ra trên toàn cầu. Ifo đã thăm dò ý kiến của 35.000 người lao động và nhà sử dụng lao động ở 34 quốc gia trong một phần của dự án trên cùng với Đại học Stanford. Kết quả cho thấy, trong số những nhân viên từng làm việc từ xa, chỉ có 19% muốn quay lại văn phòng toàn thời gian. Hầu hết họ muốn được làm tại nhà hai ngày một tuần, trong khi những ông chủ thường chỉ cho phép một ngày.

Xu hướng làm việc từ xa đặc biệt phổ biến khi đại dịch COVID-19 bùng nổ khiến 1/3 lực lượng lao động toàn cầu phải ở nhà. Xu hướng này tiếp tục sau đại dịch đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư truyền thống, phá vỡ mô hình kinh doanh của các chủ văn phòng, gây lo ngại về giá trị tòa nhà bị giảm xuống do các công ty giảm diện tích thuê sàn. Khoảng 1/6 diện tích văn phòng tại thành phố Canberra của Australia bị bỏ trống- mức cao nhất trong nhiều năm do tỷ lệ nhân viên đi làm trực tiếp vẫn thấp hơn ít nhất 1/3 so với mức trước đại dịch. Tuy nhiên, nhân viên của nhiều công ty thuộc nhiều lĩnh vực lại nhận thấy toàn lợi ích vì có thể sắp xếp thời gian làm việc linh hoạt hơn.

Hoàng Dương