Print

12,3% số NLĐ được khảo sát đã từng rút BHXH một lần

Thứ Ba, 08 /08/2023 15:20

Kết quả khảo sát về tình hình đời sống, việc làm, tiền lương NLĐ năm 2023 của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, 12,3% số NLĐ đã từng rút BHXH một lần, số lần rút trung bình là 1,13 lần, trong đó người rút nhiều nhất tới 4 lần và người rút thấp nhất 1 lần.

Sáng 8/8, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị công bố kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của NLĐ năm 2023. Cuộc khảo sát do Ban Chính sách-Pháp luật và Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) phối hợp thực hiện, nhằm phục vụ hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia về điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024.

Khảo sát nhằm nhằm phục vụ điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024

Thông tin tại Hội nghị, bà Phạm Thị Thu Lan- Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, đơn vị đã thực hiện khảo sát tại 6 tỉnh, thành phố có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình DN và vùng lương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, An Giang, Bình Dương và TP.HCM với khoảng 3.000 NLĐ được lấy ý kiến khảo sát.

Kết quả khảo sát cho thấy, 52,3% số NLĐ có làm thêm giờ, số ngày làm thêm giờ trung bình một tháng là 10,71 ngày; số giờ làm thêm trung bình một ngày là 1,75 giờ. Bên cạnh đó, có 76,2% NLĐ tham gia khảo sát "tình nguyện" làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, thời gian làm thêm giờ trung bình mong muốn là 47,3 giờ/tháng.

Trong số NLĐ tham gia khảo sát, có 27,5% NLĐ làm việc trong ngành dệt may; 16,9% làm việc trong ngành điện-điện tử; 7,3% làm việc trong ngành thương mại; 5,7% làm việc trong ngành chế biến nông lâm thủy sản; 4,4% làm việc trong ngành da giày và 38,1% làm việc trong các ngành khác.

Trong số 2.982 phiếu khảo sát, có 62,9% NLĐ thuộc vùng 1; 12,3% thuộc vùng 2; 16,4% thuộc vùng 3 và 8,4% thuộc vùng 4.

Tiền lương cơ bản hằng tháng của NLĐ (làm đủ giờ công, ngày công, không bao gồm tiền làm thêm giờ) nhận được trung bình khoảng 6 triệu đồng (tăng 8,4% so với khảo sát tháng 3/2022). Mức lương cơ bản này cao hơn tiền lương tối thiểu từ 37,5% đến 51,9% (tùy theo từng vùng). Còn 3,5% NLĐ nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Về thu nhập, thu nhập trung bình của 2.982 NLĐ khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng, trong đó tiền lương cở bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hằng tháng của họ, 23,3% khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của DN. Có 52,3% NLĐ có làm thêm giờ, số tiền nhận được trung bình hơn 1,3 triệu đồng/người/tháng (chiếm 17,1% thu nhập trung bình của NLĐ).

Chỉ có 24,5% NLĐ cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ thu nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. Đáng chú ý, có 17,3% NLĐ phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% NLĐ thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% NLĐ và quyết định có con của 72% NLĐ. Có tới 17,6% NLĐ không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp và 2,2% NLĐ chưa từng mua sữa công thức cho con dưới 6 tuổi và chỉ có 37,7% NLĐ có tiền lương đủ để đảm bảo 100% nhu cầu học tập của con.

Chỉ có 26,2% NLĐ có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hằng ngày; 10,3% NLĐ cho biết với thu nhập hiện nay khiến họ ít khi (1 lần/tuần) có điều kiện để ăn thịt, cá trong bữa ăn tại gia đình. Có tới 46,5% NLĐ chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản để chữa bệnh và còn tới 6,3% cho biết thu nhập hiện tại hoàn toàn không đủ cho họ mua thuốc và KCB, 6,5% cho biết họ không làm gì cả mà vẫn đi làm bình thường và để bệnh tự khỏi.

Khảo sát cũng cho thấy, NLĐ ở vùng 1 phải bỏ ra một khoản tiền trung bình 1,8 triệu đồng/tháng (bao gồm cả điện nước), số tiền này chiếm 23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hằng tháng của NLĐ. Đặc biệt, có 12,3% NLĐ đã từng rút BHXH một lần, số lần rút trung bình là 1,13 lần, trong đó người rút nhiều nhất tới 4 lần và người rút thấp nhất là 1 lần.

Đại diện Viện Công nhân và Công đoàn công bố kết quả khảo sát

Khảo sát dự báo, năm 2024 vẫn còn tình trạng thiếu hụt đơn hàng khi 17,2% DN khảo sát nói việc thiếu đơn hàng trong năm 2024 tăng so với năm 2023. Bên cạnh đó, có 5,2% số DN dự kiến sẽ giảm quy mô lao động trong năm 2024. Do đó, các Công đoàn cơ sở kiến nghị, để đảm bảo mức sống tối thiểu cho gia đình, mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 cần tăng 11,34%; thời điểm điều chỉnh cần cân nhắc phù hợp để giảm thiểu tác động đến NLĐ và DN.

Từ những khó khăn mà NLĐ đang gặp phải, đơn vị khảo sát cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản sản xuất kinh doanh, đặc biệt về nguồn hàng, đơn hàng, vốn, ưu đãi thuế, TTHC cho các DN, từ đó tạo việc làm ổn định và thu nhập bền vững cho NLĐ. Đồng thời, có ngay các giải pháp quyết liệt kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, nhất là giá điện, xăng dầu và các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu của NLĐ.

Bên cạnh đó, Công đoàn cấp trên cần tăng cường các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Công đoàn cơ sở trong các vấn đề như: Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng tiền lương và mức sống của NLĐ trong DN; kỹ năng cần thiết trong thương lượng đối thoại liên quan đến tiền lương; tăng cường các hoạt động tư vấn trực tiếp cho Công đoàn cơ sở trong quá trình thương lượng tiền lương; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, rõ ràng về các quy định liên quan đến tiền lương để Công đoàn cơ sở nắm được khi tiến hành thương lượng.

Chia sẻ về vấn đề BHXH một lần, ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Chính sách-Pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, thông qua con số khảo sát đã phần nào cho thấy một trong những nguyễn nhân chính dẫn đến tình trạng NLĐ rút BHXH một lần là do đời sống khó khăn, không tiền tích lũy, nên khi mất việc họ buộc phải nhận BHXH một lần để lo cho cuộc sống trước mắt. “Chúng ta cần có giải pháp căn cơ, đó là tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập, điều kiện làm việc tốt, công việc ổn định để giải quyết việc này”- ông Quảng nhấn mạnh.

Thanh Hằng