Print

Sửa Luật BHXH để phát triển bền vững người tham gia BHXH, BHYT

Thứ Sáu, 11 /08/2023 18:04

Chiều 11/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiển- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, bên cạnh cơ quan thẩm tra là Ủy ban Xã hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia- là kênh thông tin khoa học độc lập giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị ĐBQH trong quá trình cho ý kiến, xem xét, thông qua dự luật.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Hà Thanh Tùng- Thư ký Tổ Biên tập Dự án Luật BHXH (sửa đổi) cho biết, Dự thảo Luật đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH; bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

“Trên cơ sở các chính sách trên, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; về quy định hưởng BHXH một lần; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH…”- ông Tùng thông tin.

Nêu ý kiến tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, Dự thảo Luật BHXH thể hiện quyết tâm của Chính phủ về tăng cường mở rộng an sinh xã hội cho NLĐ cả về diện bao phủ và các chế độ phúc lợi NLĐ được hưởng khi tham gia chính sách BHXH, phù hợp với xu thế quốc tế và các đặc thù của Việt Nam. Đồng thời, Dự thảo Luật BHXH lần này là bước sửa đổi khá căn bản, dần đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động, đáp ứng tốt hơn quyền lợi của nhóm NLĐ, đặc biệt là lao động nữ, lao động trong khu vực phi chính thức, người cao tuổi; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững “không bỏ ai lại phía sau” và củng cố vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ các nhóm lao động yếu thế.

Liên quan đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, có ý kiến cho rằng, việc bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chưa thực hiện triệt để tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Hiện nay, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục triển khai các mô hình kinh tế mới như: Kinh tế nền tảng công nghệ, kinh tế chia sẻ (GIG), kinh tế số, xã hội số... dẫn đến xuất hiện nhóm NLĐ mới (lao động công nghệ, lao động tự do trong nền nền kinh tế GIG, lao động làm việc từ xa...) sẽ có đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế và thị trường lao động.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật BHXH chưa thể hiện rõ họ thuộc nhóm đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc hay không. Hơn nữa, nhóm lao động này đa số trẻ, có thu nhập khá tốt và mong muốn được tham gia BHXH. Do vậy, nếu thu hút được nhóm đối tượng này sẽ tăng cường an sinh xã hội cho họ; tăng diện bao phủ BHXH và giảm gánh nặng NSNN cho chính sách hưu trí xã hội. Bên cạnh đó, đối với nhóm lao động giúp việc trong hộ gia đình vẫn chưa được tham gia BHXH bắt buộc mặc dù họ có “chủ SDLĐ”...

Liên quan quy định xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH, các chuyên gia thống nhất cao với định hướng cần có các chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc. Đồng thời, để khắc phục triệt để tình trạnh này, quy định về chế tài xử lý vi phạm đóng BHXH bắt buộc cũng phải thật rõ và đúng về hành vi (ví dụ trốn đóng BHXH khác với chậm đóng BHXH). Trên cơ sở đó, có quy định về phương thức xử lý, mức độ xử lý, cơ quan, tổ chức/cá nhân có thẩm quyền xử lý, biện pháp bảo đảm thi hành các chế tài xử lý...

Vũ Thu