Print

Nghệ nhân cắt giấy Thụy Sĩ nỗ lực bảo tồn nghề thủ công truyền thống

Thứ Hai, 14 /08/2023 13:36

Bà Marianne Dubuis chăm chú nhìn qua kính lúp, sử dụng một chiếc kéo thủ công cắt những đường nhỏ trên giấy, khéo léo khắc họa một cách tinh tế phong cảnh, cũng như cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân Thụy Sĩ.

Bà Marianne Dubuis, 64 tuổi, là một nghệ nhân nghệ thuật cắt giấy Thụy Sĩ. Mặc dù được đào tạo bài bản về nghệ thuật cắm hoa, song bà yêu thích nghệ thuật cắt giấy từ nhỏ và mỗi ngày dành khoảng 6 giờ đồng hồ cho niềm đam mê của mình. Tại studio riêng đặt ở Chateau d'Oex, thuộc khu vực Pays-d'Enhaut, “cái nôi” của nghệ thuật cắt giấy (ra đời vào khoảng 200 năm trước), hằng ngày, bà miệt mài trau dồi và thể hiện kỹ năng. Bà sử dụng kéo thủ công hoặc máy cắt thô sơ để tạo ra những bức tranh cắt giấy phức tạp, lấy cảm hứng từ phong cảnh dãy Alps hùng vĩ, khu rừng xanh tươi quanh nhà, đồng cỏ mênh mông và những chú bò tha thẩn gặm cỏ… Nhiều tác phẩm của bà, tông đen trắng hoặc màu, đã được trưng bày ở trong nước và nhiểu quốc gia trên thế giới, nhiều nhất ở Thụy Sĩ, Pháp, Đức và Nhật Bản.

Đặc biệt, một số tác phẩm khổ lớn, có chiều cao hơn 1m, của bà Marianne Dubuis đang được trưng bày cho đến ngày 6/9/2023 tại Trung tâm Trưng bày Nghệ thuật cắt giấy mới được khai trương ở Chateau d'Oex- một ngôi làng đẹp như tranh vẽ nằm dưới chân dãy núi Alps, phía Tây Thụy Sĩ. "Tôi rất tự hào về cắt giấy, một nghệ thuật truyền thống của Thụy Sĩ. Bảo tồn nghệ thuật này là một cách để thể hiện giá trị, thể hiện cội nguồn của chúng tôi. Tuy nhiên, nếu chỉ bảo tồn mà không phát triển, thì sẽ đi vào lối mòn; vì vậy, chúng tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải luôn luôn tìm tòi, sáng tạo”- Bà Marianne Dubuis chia sẻ.

Nghệ thuật cắt giấy bắt nguồn từ châu Á và được đưa sang châu Âu vào khoảng thế kỷ 17. Tới thế kỷ 19, ông Johann-Jakob Hauswirth, công nhân làm việc tại một nông trại, được coi là cha đẻ của loại hình nghệ thuật này ở Thụy Sĩ. Lúc đó, mặc dù đời sống rất khó khăn nhưng mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, ông Johann-Jakob Hauswirth lại sáng tác trên giấy chỉ với công cụ là một chiếc kéo thủ công và tặng lại cho mọi người. Sau khi ông mất trong trong nghèo khó, các tác phẩm cắt giấy của ông, cũng như các tác phẩm của những bậc thầy khác trong lĩnh vực này như Louis Saugy, Christian Schwitzguebel, được bán đấu giá với mức "vài chục nghìn franc Thụy Sĩ".

Bà Monique Buri, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghệ thuật cắt giấy Thụy Sĩ, cho biết: “Hiện Hiệp hội của chúng tôi có khoảng 500 thành viên. Trong đó, nghệ nhân Marianne Dubuis vô cùng nổi bật, đóng góp lớn vào việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật này. Bà kết hợp nét hiện đại với truyền thống, để tạo nên hình ảnh của Thụy Sĩ ngày nay. Vào cuối năm 2021, bà từng tạo ra một tác phẩm tinh tế, thể hiện chân dung anh hùng lịch sử William Tell; chocolate Thụy Sĩ; trực thăng cứu hộ trên dãy Alps… và đặc biệt, mô hình các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Thụy Sỹ, chẳng hạn như LHQ hay hay Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC)”.

Hiện tại, một số tác phẩm cắt giấy của nghệ nhân Marianne Dubuis có thể được bán với giá hàng chục nghìn franc Thụy Sĩ nhưng bà cho biết, điều quan trọng hơn tiền đối với bà chính là việc được thể hiện cảm xúc thông qua tác phẩm, để mỗi tác phẩm kể một câu chuyện cuộc đời, hay nói cách khác, giống như một cuốn tiểu sử được chạm khắc bằng giấy. Một trong những trăn trở của nghệ nhân nghề thủ công truyền thống là sự “xâm lấn”, can thiệp của công nghệ hiện đại nhưng bà Marianne Dubuis cho biết bà không mấy lo lắng về việc này: “Dĩ nhiên, công nghệ hiện đại cũng mang đến sự bất lợi cho nghề thủ công truyền thống. Với nghệ thuật cắt giấy, đúng là ngày càng có nhiều công ty, xí nghiệp thực hiện cắt giấy bằng laser hàng loạt, cho ra nhiều sản phẩm hơn với giá thành cạnh tranh hơn. Nhưng tôi cho rằng máy móc không thể thay thế được tay nghề thủ công, tác phẩm máy móc làm ra không thể có hồn như tác phẩm từ sự sáng tạo của người thợ”.

Tùng Anh (Theo Chateau d'Oex News)