Print

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Tuổi thọ văn bản quy phạm pháp luật, các luật đang ở mức thấp

Thứ Ba, 15 /08/2023 14:24

Trả lời chất vấn các ĐBQH nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tư pháp tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban TVQH, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận thực trạng tuổi thọ văn bản quy phạm pháp luật còn thấp; chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Trả lời chất vấn của các ĐBQH liên quan đến nguồn lực trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cả nước có khoảng 10.000 người làm công tác pháp chế, trong đó gần 7.000 người hoạt động kiêm nhiệm. Có 89 tổ chức pháp chế ở Trung ương và địa phương là 65 phòng pháp chế. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết, nếu so sánh với khối lượng công việc của các bộ, ngành hiện nay có thể thấy số lượng cán bộ làm việc trong lĩnh vực pháp chế rất mỏng, rất ít và khó đáp ứng được yêu cầu; một số bộ, ngành có tâm lý không ưu tiên cho lĩnh vực pháp chế. Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định 55 sửa đổi, trong đó điều quan trọng nhất là xây dựng chức danh “pháp chế viên” từ đó có cơ sở xây dựng chính sách cho đội ngũ này.

Về kiểm tra văn bản, thẩm quyền đã tương đối rõ, trong đó thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chủ quản- những chủ thể được quyền trình luật. Ngoài thẩm quyền chung, có thẩm quyền tự kiểm tra và rà soát. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Bộ Tư pháp không “automatic” kiểm tra tất cả các văn bản theo thẩm quyền mà các bộ, ngành tự kiểm tra, Bộ Tư pháp chỉ vào cuộc với thẩm quyền hoặc giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tư pháp chỉ vào cuộc khi có dấu hiệu vi phạm.

Trả lời ĐBQH Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) về lộ trình kế hoạch rà soát, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đề xuất một loạt các ý tưởng mới. Thời gian qua, theo chỉ đạo của BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có một số vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều. Bộ Tư pháp đang nghiên cứu nhưng chưa có kế hoạch sửa đổi, bổ sung cụ thể.

Liên quan đến chất vấn của ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh), Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) liên quan đến tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trong thời gian qua, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tiến hành giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội cũng có báo cáo về vấn đề này nhưng số liệu chưa tương đồng. Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu để đảm bảo tương thích về các chi tiết. Tuy nhiên, về tổng thể, có thể khẳng định tình trạng chậm, nợ văn bản là sự thật. Dù đã rất cố gắng, nhưng có những Nghị định nợ lâu, chưa xử lý được như Nghị định về tổ chức đại diện của NLĐ và thương lượng tập thể, xử lý cho Bộ luật Lao động; Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng… “Do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc một số Nghị quyết có hiệu lực ngắn, cần cấp tốc ban hành Nghị quyết thay thế… Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định đảm bảo tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”- Bộ trưởng Bộ Tư pháp phân tích.

Về vấn đề rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, kể từ báo cáo số 442 đã trình Ủy ban TVQH khóa trước, đến nay Bộ đã trình thêm 10 báo cáo rà soát khác nhau, trong thời gian ngắn tới, các đơn vị sẽ trình Quốc hội báo cáo rà soát tới hơn 22 lĩnh vực. Điều này đặt ra một số vấn đề, bởi công việc rà soát cần có thời gian để thực hiện, khi rà soát cần có trao đổi để có phương án sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, trách nhiệm rà soát thuộc các bộ, ngành, đơn vị cũng cần được nâng cao. Một trong những công việc quan trọng cần thực hiện là cần rà soát lại những kiến nghị, để tránh trùng lặp, ngoài ra cần tập trung cao độ để chuẩn bị cho báo cáo sắp tới trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6 sắp tới. Bộ trưởng cũng thừa nhận: “Hiện tuổi thọ văn bản quy phạm pháp luật, các luật đang ở mức thấp. Về sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cần tính toán, cân nhắc, nhìn nhận cụ thể”.

V.Thu