Print

Trung Quốc mở nhà máy thịt nhân tạo đầu tiên

Thứ Tư, 16 /08/2023 07:38

Công ty khởi nghiệp CellX của Trung Quốc, tuần qua, đã khai trương nhà máy thịt nuôi cấy đầu tiên tại Thượng Hải trong bối cảnh chính phủ nước này đang tìm cách đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho dân số hơn 1,4 tỷ người.

Nhà máy này hiện có một lò phản ứng sinh học 2.000 lít với khả năng sản xuất hàng tấn thịt nuôi cấy mỗi năm, và thêm nhiều lò phản ứng nữa sẽ được bổ sung sớm trong kế hoạch của CellX.

Trao đổi với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), người đồng sáng lập và là CEO của CellX, ông Ziliang Yang, cho biết nhà máy thí điểm này là một bước tiến gần hơn tới việc đưa thịt nhân tạo đến bàn ăn của người Trung Quốc trước khi đưa vào sản xuất quy mô lớn.

"Thông tin chi tiết từ cơ sở thử nghiệm này sẽ được sử dụng cho cơ sở sản xuất thương mại mà chúng tôi dự định hoàn thành vào năm 2025. Cơ sở sản xuất thương mại có thể sản xuất hàng trăm tấn sản phẩm mỗi năm", CEO Yang chia sẻ.

Là một trong những nước tiêu thụ thịt lớn nhất châu Á, Trung Quốc đặt mục tiêu tìm nguồn protein động vật bền vững để nuôi sống dân số và cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo một báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), mức tiêu thụ thịt ở Trung Quốc tăng đáng kể từ những năm 1970 và có thể tăng cao hơn nữa trong thập niên tới.

Năm ngoái, Bắc Kinh đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc phát triển protein tổng hợp, bao gồm cả thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, làm nguồn thực phẩm như một phần của kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 14 cho nền kinh tế sinh học.

Theo ông Yang, cơ sở thí điểm sẽ giúp giảm chi phí sản xuất của CellX xuống dưới 100 USD/pound (0,45 kg), giúp loại thực phẩm này cạnh tranh với các loại thịt cao cấp khác. Việc ra mắt một cơ sở sản xuất thương mại vào năm 2025 dự kiến sẽ tiếp tục làm giảm chi phí sản xuất.

Thịt nuôi trong phòng thí nghiệm được sản xuất bằng cách nuôi cấy tế bào động vật trực tiếp, loại bỏ nhu cầu nuôi động vật để làm thực phẩm. Cuộc đua loại thịt này đang nóng lên trên toàn cầu sau khi đại dịch COVID-19 và một loạt dịch bệnh ở động vật cho thấy hệ sinh thái thực phẩm hiện nay rất mong manh, nhất là ở những nước phải nhập khẩu nhiều thực phẩm.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The International Journal of Life Cycle Assessment cho thấy, thịt nhân tạo có khả năng gây ít tác động đến môi trường hơn so với thịt thông thường, như giúp giảm sử dụng đất nông nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế các khí thải gây ô nhiễm... Vấn đề là việc sản xuất thịt nuôi trồng cần đến rất nhiều năng lượng.

Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp thuận việc bán thịt nuôi trong phòng thí nghiệm, với sản phẩm gà nhân tạo từ Good Meat (công ty con của hãng Eat Just ở Mỹ) từ tháng 12/2020. Singapore cũng trở thành nước đi đầu trong ngành công nghiệp này với kế hoạch 30x30 của chính phủ nhằm xây dựng khả năng tự cung tự cấp.

Đến ngày 21/6 vừa qua, Mỹ trở thành nước thứ hai bật đèn xanh đối với sản phẩm gà nhân tạo của Eat Just và Upside Foods. Cả 2 công ty này đều đặt trụ sở ở bang California.

Hiện nay, sự quan tâm còn được dành cho cả sản phẩm sữa từ quá trình lên men chính xác- công nghệ vẫn dùng để sản xuất kháng sinh, vitamin và insulin, trong đó vi sinh vật được "lập trình" để tạo ra các phân tử hữu cơ phức tạp. Hồi tháng 11/2022, công ty Perfect Day (Mỹ) đã ra mắt sữa nhân tạo đầu tiên tại Singapore, trong khi công ty Helaina (Mỹ) "ủ" sữa mẹ bằng vi khuẩn.

Ở chiều ngược lại, thực phẩm được sản xuất trong phòng thí nghiệm, đặc biệt là thịt nuôi trồng, gặp phải không ít ý kiến phản đối. Hồi tháng 3, chính phủ cánh hữu của Italia đã ủng hộ dự luật cấm thịt nuôi trồng và các loại thực phẩm tổng hợp khác. Mục tiêu là bảo vệ nền nông nghiệp, di sản ẩm thực và các lợi ích sức khỏe của chế độ ăn Địa Trung Hải truyền thống.

Tuy nhiên, những tranh cãi như thế không ngăn được lĩnh vực này vẫn phát triển mạnh. Theo tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Good Food Institute, trên toàn thế giới hiện có 156 công ty sản xuất nhiều loại thịt nuôi trồng tính đến cuối năm 2022

Hoàng Dương