Print

Đức: Nguy cơ thiếu nhân lực trầm trọng trong khu vực công

Thứ Tư, 16 /08/2023 08:08

Khoảng 1,3 triệu công chức Đức sẽ nghỉ hưu vào năm 2030. Các công đoàn cho biết chính phủ sẽ cần tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc để tuyển dụng lao động mới.

Hai nghiệp đoàn gồm Hiệp hội công chức Đức (DBB) và Liên minh Thuế quan Đức ngày 13/8 đã cùng lên tiếng về nguy cơ thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng trong khu vực công của nước này, đồng thời cảnh báo tình trạng này có thể gây ra những vấn đề lớn cho đất nước.

Theo tờ Bild am Sonntag, hiện có khoảng 360.000 vị trí việc làm trong khu vực công của Đức bị bỏ trống. Báo này dẫn số liệu thống kê của công ty tư vấn McKinsey cho biết đến năm 2030, Đức phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 840.000 nhân viên làm việc toàn thời gian. Trong khi đó, theo DBB, sẽ có khoảng 1,3 triệu nhân viên khu vực công sẽ nghỉ hưu trong vòng 7 năm tới.

"Làn sóng nghỉ hưu của thế hệ baby boomer (những người được sinh ra trong khoảng thời gian có sự gia tăng rõ rệt về tỷ lệ sinh) đã cận kề và sẽ tăng mạnh từ năm 2028", Chủ tịch Liên minh Thuế quan Đức Florian Kobler trao đổi với Bild am Sonntag.

Ông Kobler nhấn mạnh thêm rằng các vấn đề bao gồm "điều kiện làm việc không hấp dẫn trong các văn phòng cũ kỹ với mức lương tầm thường" sẽ cản trở việc tuyển dụng lao động thay thế và còn có thể làm chậm quá trình thu thuế. "Nếu không có đủ nguồn thu từ thuế, nhà nước có nguy cơ mất khả năng hành động", ông cảnh báo.

Một số công đoàn khác ở Đức cũng đã lên tiếng cảnh báo về khủng hoảng lao động. Theo Nghiệp đoàn Cảnh sát DPolG, khoảng 50.000 vị trí cần được bổ sung khẩn cấp trong các cơ quan thực thi pháp luật Đức.

"Nếu tình hình xấu thêm, chúng tôi sẽ không thể hoàn thành nghĩa vụ nhà nước của mình nữa", René Müller- người đứng đầu Nghiệp đoàn Các nhân viên nhà tù Đức chia sẻ với báo Bild am Sonntag.

Trước đó, Chủ tịch DBB Ulrich Silberbach cũng đã lên tiếng về hậu quả của viễn cảnh thiếu nhân sự. "Nếu cuối cùng chúng ta không đạt được tiến bộ về số hóa và giảm bớt quan liêu, tình trạng thiếu lao động sắp xảy ra sẽ kéo dài thời gian xử lý công việc và làm suy yếu đáng kể hiệu suất chung của đất nước", ông nói.

Tháng trước, Quốc hội Ðức đã thông qua luật nhập cư mới nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Bước đi này là một phần trong kế hoạch cải tổ sâu rộng của các nhà chức trách Đức về chính sách nhập cư, nhằm nhanh chóng giải quyết bài toán thiếu hụt lao động. Luật mới nới lỏng yêu cầu để người nước ngoài được làm việc tại Ðức, không chỉ mở rộng cơ hội cho lao động tay nghề cao còn biến Ðức thành điểm đến hấp dẫn của lao động lành nghề đến từ các nước ngoài EU.

Một điểm quan trọng trong luật mới là việc cấp "thẻ cơ hội", cho phép những người đến Đức có thời hạn một năm để tìm việc với điều kiện tự bảo đảm cuộc sống. Ðể có được thẻ này, người nhập cư phải đạt ít nhất 6 trong tổng số tối đa 10 điểm, được tính dựa trên các yếu tố như trình độ, khả năng sử dụng tiếng Ðức, tuổi tác và mối liên hệ với nước Ðức.

Nhiều chính trị gia và giới doanh nghiệp Ðức đã bày tỏ sự ủng hộ với hy vọng luật này sẽ đặt nền móng cho một khởi đầu mới trong chính sách nhập cư và định hình lại nước Ðức như "một quốc gia nhập cư hiện đại".

Hoàng Dương