Đề xuất phương án cấp giấy phép cho lao động nước ngoài tại Việt Nam
Nhiều địa phương tập trung đông lao động nước ngoài như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Quảng Ninh đã triển khai cấp giấy phép cho lao động nước ngoài trên DVC trực tuyến mức độ 4.
Bộ LĐ-TB&XH vừa có Tờ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý NLĐ Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Tại Dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án quy định quyền thực hiện công tác quản lý lao động nước ngoài (trong đó có cấp giấy phép lao động…). Theo đó, phương án 1: Sở LĐ-TB&XH thực hiện công tác quản lý lao động nước ngoài (trong đó có cấp giấy phép lao động…) trên địa bàn tỉnh, thành phố. Phương án này sẽ đảm bảo thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì “Cơ quan chuyên môn thuộc UBND được tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện, là cơ quan tham mưu, giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên”. Đồng thời, khắc phục được những bất cập về việc thực hiện cấp giấy phép lao động cho đơn vị không phải cơ quan chuyên môn là BQL KCN và khu kinh tế theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế. Thực tế, hầu hết các địa phương đang thực hiện việc cấp giấy phép lao động trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 hoặc trung tâm hành chính công của tỉnh. Vì vậy, trường hợp Sở Lao LĐ-TB&XH thực hiện tại địa phương giúp cho người SDLĐ chỉ đến một cơ quan nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.
Phương án 2: UBND cấp tỉnh thực hiện về công tác quản lý lao động nước ngoài (trong đó có cấp giấy phép lao động…) trên địa bàn tỉnh, thành phố. Ưu điểm của phương án này là quyền tự chủ cho UBND cấp tỉnh trong việc phân cấp cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn tại địa phương trong việc thực hiện việc quản lý và cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương hiện nay, UBND cấp tỉnh thường ủy quyền việc chấp thuận nhu cầu SDLĐ nước ngoài cho Sở LĐ-TB&XH. Trường hợp UBND cấp tỉnh thực hiện phân cấp cấp, ủy quyền cho các cơ quan khác trong tỉnh sẽ không đảm bảo việc thống nhất quản lý nhà nước về tuyển dụng, quản lý NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ Trung ương đến địa phương.
Lý giải về việc đưa ra hai phương án trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, do còn có nhiều ý kiến khác nhau trong việc thẩm quyền quản lý lao động nước ngoài (trong đó có việc cấp giấy phép lao động…) ở địa phương. Thực tế hiện nay, cả nước có khoảng hơn 60 BQL KCN, khu kinh tế, trong đó tập trung ở những thành phố lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai… có phân cấp việc cấp giấy phép lao động thực hiện trong BQL. Còn những địa phương khác do số lượng lao động nước ngoài rất ít nên không phát sinh nhu cầu phân cấp việc cấp giấy phép lao động tại BQL như Tiền Giang, Ninh Thuận. Nếu Nghị định Chính phủ quy định việc cấp giấy phép lao động cho BQL thì sẽ phát sinh bộ máy, con người, ngân sách để thực hiện nhiệm vụ nêu trên.
Hiện nay nhiều địa phương, đặc biệt là những thành phố lớn, tập trung đông lao động nước ngoài như: Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH cấp 6.008 giấy phép lao động và BQL cấp 1.136); Hải Phòng (Sở LĐ-TB&XH cấp 5.528 giấy và BQL cấp 4.468 giấy); Bắc Ninh (Sở LĐ-TB&XH cấp 1.342 giấy và BQL cấp 1.808 giấy)… Các địa phương này đã triển khai cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Vì vậy, việc ứng dụng CNTT để cấp giấy phép lao động cho toàn bộ lao động nước ngoài là hoàn toàn đáp ứng được.
Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất lựa chọn phương án 1 thực hiện về công tác quản lý lao động nước ngoài (trong đó có cấp giấy phép lao động… ) tại địa phương và trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc Sở LĐ-TB&XH là một đầu mối duy nhất tại địa phương.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến tháng 6/2023, cả nước có 121.288 lao động nước ngoài đang làm việc. Trong đó, số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 9.339 người (chiếm 7,7% trên tổng số NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 111.949 người (chiếm hơn 92%), trong đó đã cấp mới giấy phép lao động cho 81.568 người và gia hạn cho 14.100 lao động, cấp lại cho 8.990 người; còn lại 7.291 người đang hoàn thiện các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.
Nguyệt Hà