Phiên họp thứ 25 của Ủy ban TVQH: Đánh giá kỹ tác động của các chính sách trong Dự án Luật BHXH (sửa đổi)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình xây dựng dự án Luật BHXH (sửa đổi), đặc biệt là Chính phủ; cơ quan chủ trì là Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam đã đồng thuận, thống nhất các nội dung sửa đổi. Tuy mới là lần đầu nhưng nội dung rất kỹ lưỡng, tính cầu thị cao...
Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích
Mục tiêu sửa luật BHXH nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn. Đồng thời, mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia BHXH. Trên cơ sở bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật đã cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện…
Liên quan đến việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, quy định này sẽ giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà NSNN không phát sinh tăng nhiều. Dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800.000 người do giảm tuổi và khoảng 300.000 người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH bắt buộc. Đặc biệt, Dự thảo Luật cũng bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc; sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần; bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH…
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật. Về việc bổ sung “trợ cấp hưu trí xã hội”, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban TVQH nhất trí bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá kỹ tác động của quy định này đối với NSNN, tác động của việc đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này, ảnh hưởng như thế nào đến chính sách khuyến khích NLĐ tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, quy định rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán, có bao gồm phần chi trả BHYT hay không? Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung quy định linh hoạt việc huy động các nguồn lực xã hội đối với vấn đề này.
Nhấn mạnh BHXH là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, về cơ bản, dự án Luật đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước trong lĩnh vực an sinh xã hội nói chung và BHXH nói riêng, đặc biệt là bám sát vào Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Về bổ sung “trợ cấp hưu trí xã hội”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải nghiêm túc thực hiện theo Nghị quyết 28-NQ/TW. Theo Chủ tịch Quốc hội, số tiền trợ cấp hưu trí xã hội nên để Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể; còn tuổi thì quy định ngay trong dự thảo Luật. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, có thể tính đến lộ trình điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội ngay trong dự thảo Luật hay không?.
Biện pháp mạnh xử lý DN nợ đóng
Ngoài những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan điều kiện đóng BHXH để được hưởng lương hưu, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, chính sách hưởng BHXH một lần, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-BT&XH cũng đề cập một nội dung quan trọng khác được quy định trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này. Cụ thể, bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH. Nội dung này được quy định từ Điều 36 đến Điều 44 trong dự thảo luật. “Quy định này nhằm hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH theo hướng cơ quan quản lý Nhà nước về BHXH và cơ quan quản lý Quỹ BHXH có thẩm quyền xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH. Đặc biệt, chính sách được bổ sung nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BHXH, BH thất nghiệp”- ông Dung khẳng định.
Thời gian qua, cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng, thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH và cũng đã có những chuyển biến tích cực nhất định. Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra thời gian dài dẫn đến tình trạng khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ BHXH của NLĐ. Ông Dung cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc chưa xác định, quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; biện pháp xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Vì thế, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH. Theo đó, quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người SDLĐ trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người SDLĐ trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên. Ngoài ra, cơ quan BHXH có thể kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự. Đặc biệt, Dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người SDLĐ phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ”.
Thống nhất quy định về hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc tại một điều luật để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét nhiều vấn đề. Cụ thể, với người có nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc nhưng không thể đóng đúng thời hạn quy định do trở ngại khách quan hoặc bất khả kháng cần cân nhắc, không xác định trường hợp này là trốn đóng BHXH bắt buộc.
Cần phương án tối ưu để hạn chế hưởng BHXH một lần
Liên quan đến phương án rút BHXH một lần, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc rút BHXH một lần hiện nay là thời gian đóng để được hưởng lương hưu quá dài. Quy định hiện hành là 20 năm. Với người đi làm trong lúc khó khăn như thời kỳ đại dịch, giữa quyền lợi của 20 năm sau với nhu cầu cấp thiết trước mắt, đôi khi bắt buộc NLĐ phải chọn giải quyết việc trước mắt. Do đó, Nghị quyết 28 của Trung ương định hướng lộ trình thu hẹp thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, tới đây sẽ chỉ còn 10 năm, đoạn trung gian hiện tại là 15- 20 năm. Với 2 phương án Chính phủ trình, mỗi hướng đều có ưu- nhược điểm riêng nhưng phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn. Qua nghiên cứu, tôi đề xuất nghiên cứu thêm một phương án có thể tích hợp, tận dụng các điểm tốt nhất của 2 phương án trên. Cụ thể, với những người tham gia đóng BHXH sau khi luật này có hiệu lực thì không được rút BHXH một lần khi đang trong độ tuổi lao động. Người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực thì được rút nhưng chỉ rút phần mình đóng, còn một phần (do người SDLĐ đóng) vẫn tích lũy, lưu trong hệ thống BHXH. Quy định như vậy vừa để giúp NLĐ giải quyết khó khăn trước mặt nhưng vẫn bảo lưu thời gian tham gia trong hệ thống, để NLĐ có thể quay trở lại, tiếp tục đóng khi có điều kiện...
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh báo cáo về việc tính chi phí quản lý BHXH tại Phiên họp
Tham gia ý kiến tại phiên họp, ông Ông Phan Văn Anh- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, hưởng BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của NLĐ. Tuy nhiên, xu hướng rút BHXH một lần tăng thời gian qua là thực tế đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến NLĐ mà còn là nguy cơ với kinh tế- xã hội. Do đó, cần có chính sách đồng bộ hơn nữa hỗ trợ NLĐ trong giai đoạn khó khăn trước mắt để đảm bảo cuộc sống, như tín dụng ưu đãi, đào tạo việc làm…
Giải trình làm rõ thêm nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xác nhận, rút BHXH một lần là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm. Nếu làm không tốt về tư tưởng, vận động, thuyết phục và có phương án phù hợp, rất dễ xảy ra những vấn đề khó có thể hình dung hết. Theo đó, ban đầu ban soạn thảo tính 3 phương án cho việc rút BHXH một lần, nhưng khi thảo luận ở Chính phủ đã gom lại 2 phương án. Tinh thần đề ra là làm sao xử lý hài hòa giữa yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước với việc hỗ trợ giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt của NLĐ, không tạo ra cú sốc với NLĐ, nhất là trong lúc khó khăn hiện nay. “72% người rút BHXH một lần nằm ở khu vực phía Nam và miền Trung, tuyệt đại bộ phận rút là công nhân. Cần nhìn vào thực tế này để thấy nguyên nhân của rút BHXH một lần là do khó khăn, phải tính toán giải pháp. Song quy định hưởng BHXH một lần thực sự chưa thấy có phương án tối ưu, nhưng ít ra cũng có phương án tạm thời chấp nhận được. Nếu thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 28 thì phải chọn phương án 2. Phương án này hài hòa giữa người đã, đang tham gia BHXH với người trong tương lai sẽ bước vào hệ thống. Dù vậy, đây cũng không phải phương án trọn vẹn nên sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện. Vừa qua, ban soạn thảo Dự án Luật đã làm việc với rất nhiều cơ quan, tính toán có thể thay hình thức hưởng BHXH một lần này bằng cơ chế hỗ trợ khác để NLĐ không phải rút như: giải pháp về tín dụng, chúng tôi đã làm việc với ngành ngân hàng rồi nhưng vẫn chưa đi đến tận cùng vấn đề được, cần tiếp tục nghiên cứu”- ông Dung thông tin.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn đối với việc sửa đổi Luật BHXH đã rõ nên tinh thần là phải quyết tâm cao, sớm khẩn trương trong xây dựng, hoàn thiện dự án Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan phải tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý kết cấu dự thảo Luật mạch lạc hơn; rà soát để quy định đầy đủ hơn việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, quản lý thu quỹ BHXH, về trợ cấp hưu trí, về BHXH một lần, về xác định hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH… Đồng thời, Ủy ban TVQH giao Ủy ban Xã hội chủ động tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, nắm bắt dư luận đối với dự án Luật để thẩm tra chính thức, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng cao nhất khi dự luật được trình Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tham gia thẩm tra Dự luật…
V.Thu