Print

Kịp thời nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia

Thứ Năm, 17 /08/2023 17:19

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, tập trung vào mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã có của các chương trình; phải xác định được trách nhiệm của đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao...

Chiều 17/8, Ủy ban TVQH nghe Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương- Trưởng Đoàn Giám sát cho biết, thực hiện Chương trình giám sát tối cao của Quốc hội về 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, đến hết tháng 7/2023, Đoàn Giám sát đã thực hiện cơ bản các nội dung theo Kế hoạch chi tiết số 345, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, cùng làm việc trực tiếp với 11 Bộ, ngành và 15 địa phương, Đoàn giám sát đã xây dựng Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau Phiên họp này, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc với 4 Bộ liên quan và làm việc với 3 Chủ Chương trình: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNT, Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Đồng thời, sẽ có phiên làm việc với Chính phủ để thống nhất các nội dung đánh giá của chuyên đề giám sát này và báo cáo với Ủy ban TVQH cho ý kiến chính thức tại Phiên họp thứ 26 trong tháng 9 tới để chuẩn bị báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.

Báo cáo kết quả giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, về Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025, mục tiêu giai đoạn 2021- 2025, đến nay đã có 2 tiêu chí vượt mục tiêu là tiêu chí số 14 về Giáo dục và đào tạo, tiêu chí số 16 về Văn hóa và 8 tiêu chí được đánh giá gần đạt được mục tiêu. Đến hết tháng 6/2023, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 88%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 34,3%, cao nhất trong 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, đến năm 2023, theo báo cáo đánh giá, chương trình sẽ đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%). Dự kiến, cuối năm 2023, thêm 9 xã ĐBKK được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, tổng cộng 10/54 xã, đạt 61,73% so với mục tiêu 30% số xã ĐBKK thoát khỏi tình trạng nghèo theo chỉ tiêu giao đến năm 2025.

Đoàn Giám sát đánh giá việc triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã có tác động, góp phần nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, người dân, DN trong việc phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn và ĐBKK. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương phân bổ chậm (Quý II/2022 mới giao) chưa có cơ chế giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn NSNN giai đoạn 5 năm cho các Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Bên cạnh đó, việc lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình Mục tiêu Quốc gia khó thực hiện…, phân bổ vốn còn manh mún, chưa phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, thiếu cơ sở thực tiễn... Do đó, Đoàn Giám sát đề nghị thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai chương trình. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các Chương trình ở các cấp, các ngành; có biện pháp phòng ngừa, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện các chương trình.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội mong muốn Nghị quyết giám sát thực sự có những kiến nghị, đề xuất đúng và trúng để thúc đẩy thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Trong đó, tập trung vào mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã có của các chương trình; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các nguồn lực nói chung trong thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia. “Cũng cần làm rõ vì sao chậm, vì sao vướng mắc, điểm nghẽn ở đâu và tháo gỡ như thế nào trong thực hiện các chương trình. Phải xác định được trách nhiệm của đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp khắc phục cụ thể”- Chủ tịch Quốc hội nêu.

Nguyệt Hà