Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật BHXH tại Thanh Hóa
Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa vừa tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH giai đoạn từ 1/1/2020 đến 30/6/2023 tại một số huyện trên địa bàn tỉnh.
Thông qua giám sát tại các huyện Hà Trung, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn và TP.Sầm Sơn cho thấy, giai đoạn từ 1/1/2020 đến 30/6/2023, các cấp uỷ đảng, chính quyền luôn quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH và nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân. Các địa phương xác định công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH; ban hành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện nhiệm vụ đáp ứng linh hoạt theo yêu cầu từng giai đoạn. Đặc biệt, công tác phát triển đối tượng tham gia được các cấp, các ngành, địa phương, trực tiếp là cơ quan BHXH huyện quan tâm với nhiều giải pháp hiệu quả như: Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tham gia loại hình BHXH phù hợp; thực hiện kịp thời các chính sách về BHXH của Trung ương và của tỉnh; phát triển các đại lý thu, tổ chức hội nghị, đối thoại với DN, tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu…
Tổ chức, bộ máy làm công tác BHXH được kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động; hệ thống tổ chức dịch vụ thu BHXH ngày càng phát triển và nâng cao về chất lượng dịch vụ; công tác quản lý Nhà nước về BHXH đã từng bước được tăng cường. Công tác CCHC được quan tâm, tích cực triển khai ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, công tác chuyển đổi số được cơ quan BHXH chú trọng thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH. Công tác thanh kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH được tăng cường, kịp thời phát hiện các sai phạm và ngăn chặn những vi phạm về chấp hành thực hiện Luật BHXH, thu hồi nợ đọng BHXH, qua đó đã kịp thời bảo vệ quyền lợi, chế độ cho đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH…
Do thực hiện đồng bộ các giải pháp nên số người tham gia BHXH tăng lên đáng kể. Cụ thể, thị xã Nghi Sơn, từ 1/1/2020 đến 30/6/2023, số người tham gia BHXH bắt buộc hằng năm có sự tăng trưởng; riêng 6 tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm, đặc biệt là ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đa số các đơn vị SDLĐ chấp hành quy định pháp luật về việc tham gia BHXH; tỷ lệ lao động tham gia BHXH hằng năm đạt từ 90- 97% so với tổng số lao động thuộc diện tham gia. Tại TP.Sầm Sơn, tính đến 30/6/2023 có 297 đơn vị với 6.284 lao động tham gia BHXH bắt buộc và 3.102 người tham gia BHXH tự nguyện; tỷ lệ bao phủ về BHXH đạt 30,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (bao gồm 8.919 người tham gia BHXH ngoài địa bàn). Tại huyện Hà Trung, số người tham gia BHXH tăng 27,64% so với năm 2020; đối tượng tham gia BHXH ngày càng được mở rộng, nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã tăng nhanh đáng kể. Đặc biệt, mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đến nay đạt 3,72% so với lực lượng lao động- vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Huyện Hoằng Hóa, số người tham gia BHXH cũng đạt tỷ lệ 29,86% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc là 39.435 người, số người tham gia BHXH tự nguyện là 3.265 người, tỷ lệ nông dân và lao động phi chính thức tham gia so với lực lượng lao động trong độ tuổi là 2,28%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác phát triển đối tượng gặp không ít khó khăn, tỷ lệ người tham gia BHXH so với lực lượng lao động giai đoạn 2020- 2022 tuy tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và còn thấp so với tổng số lao động; quy mô doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hoạt động chủ yếu theo mùa vụ, không thu hút được nhiều lao động; số người tham gia BHXH tự nguyện tốc độ gia tăng chậm, thiếu tính bền vững; độ bao phủ BHXH tăng chậm; số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng. Tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vẫn còn tiếp diễn, thời gian kéo dài, một số đơn vị có số chậm đóng lớn từ những năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục; chưa có biện pháp xử lý triệt để các đơn vị vi phạm về trốn đóng, chậm đóng BHXH; công tác thanh kiểm tra các tại doanh nghiệp nợ BHXH còn nhiều hạn chế, xử lý chưa kịp thời, thiếu sức răn đe. Đáng chú ý, tại thị xã Nghi Sơn, tình trạng nợ đọng BHXH tăng qua các năm cả về số đơn vị nợ, số tiền nợ và số đơn vị nợ khó thu do DN dừng hoạt động, phá sản, giải thể…
Tại buổi giám sát, các huyện đã đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật BHXH nhằm đồng bộ với Bộ luật Lao động năm 2019 và xem xét điều chỉnh về đối tượng tham gia, thời gian đóng, mức hỗ trợ đóng, mức hỗ trợ đóng cho một số nhóm đối tượng. Cụ thể, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác gồm: người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương, chủ hộ kinh doanh cá thể không hưởng tiền lương. Giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH hưởng chế độ hưu, giảm độ tuổi nghỉ hưu đối với người tham gia phù hợp với vùng miền và đặc thù của ngành nghề. Tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện từ NSNN (ngân sách Trung ương) cho một số nhóm đối tượng tham gia có hoàn cảnh khó khăn (hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn…).
Cùng với đó, các huyện cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho NLĐ, tạo nguồn lực phát triển kinh tế của địa phương và thực hiện nghĩa vụ trích nộp BHXH đầy đủ cho NLĐ. Bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ thêm phần kinh phí thuộc trách nhiệm đóng của người tham gia BHXH tự nguyện để mở rộng, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHXH. Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục chỉ đạo các ban ngành chức năng yêu cầu các đơn vị, DN chấp hành nghiêm pháp luật về BHXH, BHYT; thành lập các đoàn thanh kiểm tra xử lý nghiêm những đơn vị SDLĐ vi phạm chính sách pháp luật về BHXH, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Ngoài ra, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội cũng tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT…
Tại buổi làm việc, các đại biểu và thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp ý kiến và trao đổi làm rõ hơn về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đối tượng; làm rõ các giải pháp đối với khoản nợ BHXH của các doanh nghiệp; mục tiêu, kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH; việc đề xuất các giải pháp giải quyết tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH; biện pháp chỉ đạo tháo gỡ thu hồi nợ, thanh kiểm tra, xử lý kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ; một số bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách (về mức đóng, thời gian đóng BHXH, mở rộng đối tượng, chế độ chính sách BHXH tự nguyện…).
Kết luận tại các buổi giám sát, ông Mai Văn Hải- Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, nhất là trong công tác tuyên truyền, cải cách TTHC, áp dụng CNTT, chuyển đổi số trong thực hiện chính sách BHXH… Đồng thời, đoàn tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của các huyện Hà Trung, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn cũng như các doanh nghiệp. Đoàn sẽ tổng hợp để báo cáo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
Nguyệt Hà