Print

Đề xuất chế độ hỗ trợ đối với công chức chuyên trách chuyển đổi số

Thứ Bảy, 19 /08/2023 15:54

Bộ Nội vụ đang dự thảo Tờ trình Chính phủ và Báo cáo đánh giá thực trạng về chế độ, chính sách đối với CBVC làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng.

Theo Bộ Nội vụ, đội ngũ chuyên trách về CNTT thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng có vai trò hết sức quan trọng trong việc triển khai các ứng dụng CNTT trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ điện tử. Để có thể tận dụng tối đa và phát huy hiệu quả của công nghệ trong quá trình chuyển đổi số, việc tiếp nhận, đào tạo, duy trì và phát triển đội ngũ nguồn nhân lực là hết sức cần thiết.

Do đó, bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại; môi trường làm việc có chất lượng thì một yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là phải có chế độ, chính sách hợp lý đối với đội ngũ làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng trong các cơ quan nhà nước để có thể giữ chân và tạo điều kiện để CBVC yên tâm công tác.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài các chế độ, chính sách chung như đối với người làm CNTT, người làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng chưa có chính sách hỗ trợ riêng mặc dù đặc thù công việc đòi hỏi kiến thức, kỹ năng chuyên sâu và kinh nghiệm về CNTT. Có rất ít cơ quan, địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ (chính sách hỗ trợ hằng tháng hoặc thu hút 1 lần, đào tạo) cho đội ngũ làm CNTT như Bộ KH&CN, Bộ Xây dựng, Đồng Tháp, Phú Yên, Lạng Sơn, Nghệ An…

Nhìn chung, chế độ chính sách chưa đủ sức thu hút người có trình độ CNTT. Qua báo cáo cho thấy, chỉ có tại Nghệ An, việc ban hành chính sách hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng, sử dụng CBVC có trình độ CNTT.

Qua báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, việc tuyển dụng người có trình độ CNTT vào làm việc tại các cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn do: Lương và các chế độ chính sách còn thấp; khả năng thăng tiến và phát triển thấp; môi trường làm việc chưa đáp ứng (thiết bị, cơ sở vật chất), chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút đội ngũ làm CNTT có chất lượng cao; có tình trạng CBVC sau khi được tuyển dụng xin thôi việc để chuyển ra ngoài khu vực tư nhân.

Theo dự báo của Bộ TT-TT, số liệu về cung cầu nhân lực CNTT, công nghệ số Việt Nam giai đoạn 2015-20308 như sau: Năm 2025, 1.601.967 nhân lực. Năm 2030, 2.718.751 nhân lực. Bộ Nội vụ cho rằng, để kịp thời giải quyết vấn đề cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khuyến khích, động viên đội ngũ người làm chuyên trách công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng trong khu vực công thì việc xây dựng chính sách hỗ trợ tại thời điểm hiện nay nhằm thu hút và “giữ chân” đối với các đối tượng này là rất cần thiết.

Từ thực trạng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số hiện nay cho thấy, vấn đề cần thiết đặt ra là phải xây dựng, tăng cường nguồn nhân lực có trình độ CNTT. Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Đảng, quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian nghiên cứu, xây dựng chế độ, chính sách cho đội ngũ người làm CNTT nói chung thì việc xây dựng, ban hành chế độ hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng hiện nay là cần thiết.

Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc xây dựng Nghị định quy định về chế độ hỗ trợ đối với CBVC chuyên trách chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng.

Thanh Hằng