Print

Nghề bán hàng trực tuyến thu hút người lao động trẻ Trung Quốc

Thứ Bảy, 19 /08/2023 21:00

Chỉ vài tháng sau khi bắt đầu sự nghiệp với tư cách là người bán hàng trực tuyến (streamer) vào tháng 1/2023, cô Trương Cẩm Viên, 28 tuổi, cựu người mẫu, blogger và có bằng thạc sĩ ngành quản lý thời trang, đã đạt hàng trăm giờ phát sóng và có cơ hội làm việc với nhiều thương hiệu lớn.

Trương Cẩm Viên là một trong số hàng triệu thanh niên Trung Quốc đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục của lao động trẻ quốc gia này (hơn 21%). Vì vậy, cô, cũng như một bộ phận lao động trẻ Trung Quốc, đang nỗ lực để chinh phục một công việc đang được coi là “thời thượng”, có thu nhập tốt. Đó là, trở thành người bán hàng trực tuyến trên các nền tảng như Tmall, Taobao (trực thuộc Alibaba) và Douyin (trực thuộc Bytedance), được coi là “TikTok của Trung Quốc”.

Một ngày của Trương Cẩm Viên với vai trò là người bán hàng trực tuyến (streamer) bao gồm hơn 6 giờ nói chuyện gần như không ngừng trước máy quay; thời gian dành cho làm tóc, trang điểm và tóm tắt nội dung sau khi phát sóng. "Để bắt đầu công việc này khá đơn giản, chỉ cần sử dụng điện thoại và tiến hành phát trực tiếp (livestream)"- Trương Cẩm Viên chia sẻ- “Nhưng làm thế nào để nổi bật, thu hút được nhiều người theo dõi, thuyết phục họ đặt hàng và chốt được nhiều đơn hàng mới là điều khó khăn. Công việc này có tính cạnh tranh cao nhưng nếu kiên trì và sáng tạo, kỹ năng sẽ ngày càng thành thục hơn. Tôi nghĩ một người bán hàng trực tuyến có nổi bật hay không là kết quả của việc phát huy trí lực và năng lực của mình".

Một cuộc khảo sát với hơn 10.000 người trên nền tảng mạng xã hội Sina Weibo vào tháng trước cho thấy, hơn 60% người tham gia khảo sát cho biết, họ muốn trở thành người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) hoặc người bán hàng trực tuyến (streamer). Còn theo iResearch, công việc bán hàng trực tuyến đã thu hút tới 1,23 triệu người tính đến năm 2020. Và sự bùng nổ doanh số bán hàng trực tuyến trong thời kỳ đại dịch đã giúp công việc này tạo ra doanh thu 480 tỷ USD tại Trung Quốc vào năm ngoái. Hơn nữa, để nâng cao tính chuyên nghiệp, công việc này còn thu hút nhiều công ty, dịch vụ đào tạo và môi giới/tuyển dụng người bán hàng trực tuyến cho các thương hiệu.

Hiện Trương Cẩm Viên trực thuộc Công ty Romomo có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc). Đây một chi nhánh Buy Quick, cung cấp cho Lancôme và Under Armour khoảng 150 người người bán hàng trực tuyến toàn thời gian. "Ngày nay, livestream hay phát trực tiếp là một trong những phương thức quảng bá quan trọng nhất đối với các thương hiệu quốc tế và trong nước. Không chỉ tăng doanh thu, mà còn giúp các thương hiệu nâng cao giá trị thương hiệu và tên tuổi sản phẩm một cách rất hiệu quả. Bên cạnh đó, cách các thương hiệu tiếp cận với hình thức này cũng có nhiều chuyển biến. Ban đầu, họ tập trung nâng cao doanh số bán hàng thông qua mức chiết khấu sâu, song bây giờ, việc thu hút và “giữ chân” người tiêu dùng lâu dài ngày càng được quan tâm hơn”- đại diện Romomo nhận định.

Tùng Anh (Theo Xinhua)