Print

Ứng dụng công nghệ số xây dựng nông nghiệp thông minh

Thứ Hai, 21 /08/2023 08:31

Chương trình chuyển đổi số TP.Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định, đối với lĩnh vực nông nghiệp, thành phố sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của ngành nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Theo đó, Hà Nội tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, đặt mục tiêu mỗi nông dân được định hướng đào tạo, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo về giá, thời vụ... nông sản; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Đại- Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: “Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội xác định ngành nông nghiệp phải phát triển toàn diện, bền vững, phải tạo ra sự khác biệt, điểm nhấn riêng so với các địa phương khác trong cả nước, đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ số”.

Bà Bùi Thị Thanh Hà- Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội) cũng cho biết, HTX đã đầu tư quy trình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín với diện tích 1,15ha và liên kết với các nhóm trồng rau trên địa bàn (100% sản phẩm rau đều được dán mã QR) để cung ứng ra thị trường gần 1 tấn rau, củ, quả mỗi ngày.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, nhà quản lý, chuyển đổi số mang ý nghĩa quan trọng với tất cả các ngành trong thời đại 4.0, là xu thế toàn cầu và ngành nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp nông dân, chủ trang trại, HTX, DN nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Không những thế, ứng dụng công nghệ số còn là “chìa khóa” mở cánh cửa cho nông nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chia sẻ, mặc dù đã có nhiều mô hình áp dụng thành công chuyển đổi số, nhưng thực tế vẫn chưa có nhiều HTX, DN, trang trại… trên địa bàn thành phố cũng như cả nước thực hiện được chuyển đổi số trong sản xuất như các đơn vị nêu trên. Nguyên do là các hộ sản xuất, HTX, trang trại trên địa bàn còn hạn chế về tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực công nghệ cao, điều kiện tiếp cận công nghệ... Bên cạnh đó, trong chăn nuôi, số lượng trang trại áp dụng công nghệ cao toàn phần ít, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử, CNTT trong sản xuất, quản lý, điều hành.

“Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho nông dân, HTX, trang trại... được bán sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Tuy vậy, để thành công, cần hội tụ đủ yếu tố là sản xuất số, tiêu dùng số và sàn thương mại điện tử cho nông dân”- ông Hoàng Văn Thám- Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay.

Đứng trước những khó khăn, thách thức trên, lãnh đạo thành phố đã quyết tâm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nên đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Ông Nguyễn Xuân Đại- Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: “Tính đến hết năm 2022, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố và tăng gấp đôi so với năm 2020”.

Ông Tạ Văn Tường- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng chia sẻ thêm, công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được TP.Hà Nội quan tâm triển khai. Trong đó, tiêu biểu như về truy xuất nguồn gốc, thành phố đã phối hợp và triển khai theo các cấp độ với các DN để minh bạch các sản phẩm với mã QR.

Ngoài ra, Hà Nội đẩy mạnh kết hợp với các tỉnh khác trên cơ sở hệ thống này để quản lý về mặt chất lượng sản phẩm nông nghiệp; hoàn thiện các CSDL về đất. Hiện nay, hầu như tất cả các CSDL về đất, sức khỏe về đất, thực trạng, thành phần về đất đã được cập nhật về hiện trạng trên cơ sở bản đồ số. Thành phố cũng đã hợp tác với các cơ quan, đơn vị kinh tế số để triển khai thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch như: Voso, sendo…

Bà Vũ Thị Hương- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, Trung tâm đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn về nội dung này đối với nông dân, chủ trang trại, HTX. Mục đích nhằm đả thông tư tưởng, thay đổi tư duy cho bà con về ứng dụng công nghệ số không thể đơn lẻ từng hộ làm được, mà bắt buộc phải liên kết với nhau thành tổ hợp tác, HTX để cùng nhau xây dựng chuỗi sản xuất- tiêu thụ sản phẩm bền vững.

Trên tinh thần đó, trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông sẽ đồng hành cùng với Phòng Kinh tế các quận, huyện, thị xã; thông qua các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi-Thú y và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp tổ chức những hội nghị, toạ đàm, tập huấn về ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp tại các địa phương trên địa bàn Hà Nội.

Hà Thủy