Bảo đảm thực chất, hiệu quả, cải thiện đời sống và sinh kế của người dân
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại các Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021– 2025 với các địa phương thuộc 4 Vùng: Trung du và Miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp của các địa phương cần đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu và huy động trí tuệ tập thể trong triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia bảo đảm thực chất, hiệu quả, cải thiện đời sống và sinh kế của người dân; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cấp cơ sở và công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; nghiên cứu, thành lập Tổ Công tác cấp tỉnh để chủ động rà soát, nghiên cứu, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp cơ sở, quyết tâm giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2022 và tối thiểu 90% vốn kế hoạch năm 2023 được giao để thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện một số nhiệm vụ sau: Chuẩn bị kỹ Báo cáo của Chính phủ về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; tăng cường phối hợp với Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội để đề xuất, hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội phê duyệt các giải pháp, cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các Luật, Nghị quyết của Quốc hội trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, trong đó lưu ý kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các địa phương liên quan đến cơ chế giao kế hoạch vốn, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm để thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia; cơ chế phê duyệt các dự án đầu tư thuộc các Chương trình Mục tiêu Quốc gia; cơ chế sử dụng vốn ngân sách nhà nước ủy thác qua hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện một số nội dung thuộc các Chương trình Mục tiêu Quốc gia; cơ chế sử dụng vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ chủ trì liên kết, cộng đồng dân cư thực hiện các dự án phát triển sản xuất thuộc các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, tổng hợp, đề xuất phương án xử lý kiến nghị của các địa phương liên quan đến các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 25/8/2023; trong đó, lưu ý kiến nghị của một số địa phương về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp chung, định kỳ hằng tháng báo cáo về việc thực hiện các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương và các nhiệm vụ được giao.
Tùng Anh