Bộ Y tế cung cấp thông tin về nhóm Bông hồng đen- Cầu vồng đen ở Hải Phòng
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), nhóm Bông hồng đen- Cầu vồng đen là một nhóm tự lực thường được gọi là tổ chức dựa vào cộng đồng, tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS từ tháng 8/2011.
Tạm dừng hoạt động nhóm Bông hồng đen- Cầu vồng đen
Trong những ngày qua, một số trang thông tin điện tử, mạng xã hội và một số tờ báo đăng tải thông tin liên quan đến tổ chức dựa vào cộng đồng có tên là Bông hồng đen- Cầu vồng đen triển khai xét nghiệm HIV cho học sinh tại quận Đồ Sơn (TP.Hải Phòng). Xét trên các thông tin đại chúng và báo cáo của cơ quan liên quan, Cục Phòng chống HIV/AIDS thấy rằng, việc nhóm Bông hồng đen triển khai cung cấp một số dịch vụ phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng là phù hợp với chủ trương đã nêu tại Chiến lược quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc xét nghiệm HIV tại cộng đồng không có nguy cơ làm lây nhiễm HIV từ người xét nghiệm HIV sang người được xét nghiệm HIV.
Các thành viên nhóm Bông hồng đen làm việc với cơ quan chức năng
Cục Phòng chống HIV/AIDS thống nhất kiến nghị của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng. Cụ thể: Tạm dừng hoạt động của nhóm Bông hồng đen để thu thập thông tin xác minh sự việc xẩy ra vừa qua. Cùng với đó, đề nghị Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng quán triệt các tổ chức cộng đồng tham gia phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, quy trình chuyên môn, xét nghiệm đúng đối tượng có hành vi nguy cơ trên nguyên tắc tự nguyện.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng tư vấn cho các gia đình, phụ huynh và các cháu đã được xét nghiệm tại nhóm Bông hồng đen để cung cấp thêm các thông tin HIV và các vấn đề gia đình đang quan tâm, lo lắng. Cục Phòng chống HIV/AIDS đề nghị Trung tâm SCDI rà soát các quy trình của dự án để đảm bảo việc kiểm soát các tổ chức cộng đồng thực hiện đúng các hướng dẫn của dự án và các quy định chuyên môn đối với hoạt động tại cộng đồng.
Thông tin thêm về nhóm Bông hồng đen- Cầu vồng đen, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, nhóm Bông hồng đen- Cầu vồng đen là một nhóm tự lực, thường được gọi là tổ chức dựa vào cộng đồng, được hình thành trên cơ sở tự nguyện của các thành viên và tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS từ tháng 8/2011.
Nhóm Bông hồng đen- Cầu vồng đen đang triển khai hoạt động của dự án “Bảo vệ tương lai- Tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma túy tại Việt Nam” ở phường Hải Sơn (quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng) theo Thỏa thuận hợp tác số 53-12/2022/HĐTN-SCDI ngày 30/12/2022 của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI)- đơn vị chủ dự án và nhóm Bông hồng đen- Cầu vồng đen.
Dự án “Bảo vệ tương lai- Tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma tuý tại Việt Nam” do SCDI triển khai với nguồn tài trợ từ Tổ chức Expertise France của Pháp. Dự án đã được Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phê duyệt tại Quyết định số 1379/QĐ-LHHVN ngày 16/12/2020 và được triển khai tại 7 tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Phòng.
Ngoài ra, nhóm Bông hồng đen- Cầu vồng đen còn triển khai một số hoạt động phòng chống HIV/AIDS thuộc Dự án phòng chống HIV/AIDS của VUSTA- do Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ giai đoạn 2021-2023.
Các hoạt động của nhóm Bông hồng đen- Cầu vồng đen liên quan đến Dự án “Bảo vệ tương lai- Tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma tuý tại Việt Nam” bao gồm: Tiếp cận và can thiệp khách hàng là người sử dụng ma tuý trong độ tuổi từ 16 đến 24 tham gia nghiên cứu, với các hoạt động: Sàng lọc hành vi các khách hàng đăng ký tham gia nghiên cứu; tư vấn và xét nghiệm HIV cho khách hàng; thực hiện các bảng hỏi phỏng vấn ngắn về thông tin cơ bản, hành vi nguy cơ và đánh giá kiến thức về ma túy, sức khỏe tâm thần.
Nhóm chuyển gửi khách hàng của dự án nhận hỗ trợ theo từng gói can thiệp phù hợp nhu cầu của khách hàng bao gồm: Khám và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (STIs), điều trị methadone, xét nghiệm HIV định kỳ, xét nghiệm và điều trị viêm gan C, lao, sức khoẻ tâm thần... Truyền thông nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin về giảm hại ma túy, STIs, HIV, các kỹ năng dự phòng ma túy cho khách hàng.
Các hoạt động của nhóm Bông hồng đen- Cầu vồng đen liên quan đến Dự án phòng chống HIV/AIDS của VUSTA do Quỹ Toàn cầu tài trợ giai đoạn 2021-2023 bao gồm: Tiếp cận khách hàng nhóm có hành vi nguy cơ cao như người quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người bán dâm, người tiêm chích ma túy để truyền thông về kiến thức và dịch vụ HIV/AIDS, xét nghiệm HIV tại cộng đồng hoặc cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm, giới thiệu khách hàng xét nghiệm HIV âm tính đến các dịch vụ dự phòng như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP), hỗ trợ người xét nghiệm sàng lọc HIV có phản ứng đi làm xét nghiệm khẳng định HIV dương tính tại cơ sở y tế, chuyển gửi người nhiễm HIV đến cơ sở điều trị ARV, hỗ trợ khách hàng tuân thủ điều trị ARV và PrEP. Nhóm Bông hồng đen- Cầu vồng đen có 5 thành viên, trong đó có một thành viên đã tham gia lớp tập huấn về tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng.
Về triển khai xét nghiệm HIV tại cộng đồng
Các thông tin về triển khai xét nghiệm HIV tại cộng đồng liên quan đến Dự án “Bảo vệ tương lai- Tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma tuý tại Việt Nam”, theo báo cáo ban đầu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng và tổ chức SCDI, từ ngày 1/1 đến 18/8/2023, số khách hàng được tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV là 204 người và đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Thông tin về độ tuổi người được xét nghiệm HIV có thể không đảm bảo tính chính xác do người được xét nghiệm tự thông báo về tuổi và không xuất trình các giấy tờ chứng minh nhân thân trước khi làm xét nghiệm.
Thông tin về kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc HIV được nhóm Bông hồng đen thực hiện, đó là sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh lấy máu đầu ngón tay. Đây là kỹ thuật đơn giản, sử dụng kim chích máu đầu ngón tay dùng một lần (thiết kế dùng một lần, khi đã sử dụng thì kim thụt vào trong và không tái sử dụng được) để chích nhẹ đầu ngón tay, sau đó nặn lấy một giọt máu để làm xét nghiệm tương tự như xét nghiệm theo dõi đường huyết. Bên cạnh đó, nhóm còn sử dụng sinh phẩm tự xét nghiệm bằng dịch miệng- đây là kỹ thuật sử dụng dịch miệng để làm xét nghiệm sàng lọc HIV.
Hai kỹ thuật xét nghiệm trên đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị làm xét nghiệm tại cộng đồng bao gồm xét nghiệm không chuyên và tự xét nghiệm. Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn xét nghiệm tại cộng đồng và Hướng dẫn các kỹ thuật xét nghiệm HIV, trong đó cho phép sử dụng hai kỹ thuật này được làm xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng, do đơn giản, dễ thực hiện và đảm bảo không làm lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm từ người xét nghiệm sang người được xét nghiệm.
Về việc trả tiền người được làm xét nghiệm, theo thông tin từ phía tổ chức SCDI, trong kế hoạch hoạt động được nhà tài trợ đồng ý có hỗ trợ chi trả cho người tham gia nhận dịch vụ tư vấn xét nghiệm là 100.000 đồng. Đây là tiền hỗ trợ đi lại và chi trả 25.000 đồng khi giới thiệu một người khác tham gia. Do đó, việc nhóm chi trả cho người tham gia xét nghiệm đúng với đề cương của Dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Vai trò của các tổ chức cộng đồng trong triển khai xét nghiệm HIV
Theo Bộ Y tế, việc xét nghiệm sớm và điều trị sớm HIV là một trong những giải pháp quan trọng để chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Người có hành vi nguy cơ cao khi được tư vấn xét nghiệm HIV sớm nếu âm tính (không nhiễm HIV) sẽ được tư vấn các biện pháp dự phòng để không bị lây nhiễm HIV. Nếu xét nghiệm HIV có phản ứng (nghi ngờ) sẽ được tư vấn và chuyển gửi đến cơ sở y tế được công nhận xét nghiệm khẳng định và nếu nhiễm HIV sẽ được điều trị HIV sớm.
Khi người nhiễm HIV được điều trị sớm sẽ giữ cho hệ miễn dịch của họ khỏe mạnh, do vậy họ tiếp tục sống khỏe mạnh lâu dài. Khi được điều trị sớm, thuốc sẽ ức chế virus HIV không phát triển, để lượng virus HIV trong máu về ngưỡng không phát hiện, khi đó sẽ không còn làm lây nhiễm HIV cho người khác (Không phát hiện = Không lây truyền) qua đường tình dục.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của các địa phương, từ năm 2019 trở lại đây, nhóm cộng đồng đã đóng góp xét nghiệm, phát hiện khoảng 30-50% số ca HIV hằng năm; riêng các tỉnh trọng điểm về HIV thì mức đóng góp cao hơn tới 50-70%. Như vậy, các tổ chức cộng đồng có vai trò rất lớn trong việc tìm ca nhiễm mới HIV.
Ngoài ra, các tổ chức cộng đồng còn trực tiếp cung cấp các dịch vụ phòng chống khác can thiệp giảm hại (cấp phát và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su, chất bôi trơn) và giới thiệu khách hàng đến cơ sở y tế để nhận các dịch vụ điều trị dự phòng lây nhiễm HIV (PrEP) hoặc điều trị ARV nếu khách hàng nhiễm HIV. Với vai trò đó, có thể khẳng định, nhóm cộng đồng đã có đóng góp quan trọng trong kiểm soát dịch HIV tại Việt Nam.
Hà Hùng