Print

Tìm giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp

Thứ Ba, 22 /08/2023 15:11

Tại Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực DN: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 22/8, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đang gặp thách thức lớn là khả năng hấp thụ vốn của DN rất kém.

DN vẫn khó tiếp cận vốn?

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, kết quả khảo sát năm 2022 của Vietnam Report đã chỉ ra rằng, 96,1% DN trong nước đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất; 61,5% gặp khó khăn bởi gián đoạn do “di chứng” của đại dịch Covid-19 gây ra; 53,9% chịu tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng; 48,1% cho rằng sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và 40,4% khó khăn về thiếu nhân lực sản xuất.

Đặc biệt, sang đến năm 2023, tình hình càng trở nên khó khăn hơn, bằng chứng là tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp trong vòng từ năm 2011 đến nay (ngoại trừ năm 2020), khu vực sản xuất liên tục bị thu hẹp trong nhiều tháng, số lượng DN đăng ký thành lập mới giảm cả về số lượng và quy mô vốn trong khi số lượng DN ngừng hoạt động và giải thể tiếp tục tăng.

“Với tình hình hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực DN là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ”- ông Tú nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Hà Thu Giang- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, trong thời gian qua, NHNN đã chủ động, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, sự an toàn của hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, những nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán… đã góp phần hỗ trợ khu vực DN vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước phục hồi. Tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của DN đang rất hạn chế...

Ngoài khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều chuyên gia cũng chỉ rõ một số nguyên nhân dẫn đến khó khăn thời gian qua. Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ- Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng) cho biết, qua phân tích số liệu của hơn 1.500 DN, bài toán dòng tiền vẫn là câu chuyện cấp bách nhất hiện nay. Nguyên nhân vì tổng cầu giảm, tích lũy đã chi tiêu trong dịch Covid-19 hết, câu chuyện tiếp cận vốn rất khó khăn.

Trong giai đoạn cuối năm này, có 2 nhóm vấn đề trọng tâm cần được quan tâm. Thứ nhất, tiếp tục những kiến nghị để cải thiện dòng tiền và chi phí cho DN, “ví dụ về vấn đề hoàn thuế, riêng nhóm ngành gỗ đã có tới 6.100 tỷ đồng đang đọng ở hoàn thuế, có gần 10 ngành cũng đang có tiếng kêu tương tự”- bà Thủy chia sẻ. Nhóm thứ hai là làm thế nào để môi trường đầu tư, kinh doanh tới đây phải thích ứng với các yêu cầu mới về giảm phát thải và chuyển đổi xanh.

Theo TS.Nguyễn Minh Thảo- Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), hiện vẫn còn một số "điểm nghẽn" tồn tại như gói hỗ trợ lãi suất 2% không hiệu quả; DN khó tiếp cận được vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa. “Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 7,34% số DN được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ quỹ”- bà Thảo cho biết…

Chung tay hỗ trợ khu vực DN phục hồi ổn định

Đề cập đến giải pháp làm thế nào để tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực DN, ông Phạm Thế Anh- Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, việc khuyến khích đầu tư tư nhân cũng là một giải pháp hợp lý, nhưng cũng cần kiểm soát tăng cung tiền ở mức vừa phải, không nên tăng quá 10% vì tỷ lệ cung tiền/GDP của Việt Nam cũng đã ở mức khá cao. Bên cạnh đó, tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản; sử dụng tín dụng thuế đầu tư (Investment Tax Credit) ngắn hạn…

Cũng theo ông Phạm Thế Anh, chúng ta vẫn có “dư địa” để thực hiện kích thích tài khóa như: Nợ công giảm và ổn định ở mức vừa phải; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với NSNN không quá căng thẳng; nợ công nước ngoài thấp (14,7% năm 2021 và 12% năm 2023). Lãi suất vay nợ trái phiếu Chính phủ thấp và kỳ hạn trái phiếu Chính phủ lành mạnh. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải. Phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực. Bổ sung, xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Đồng thời, kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế/giảm thuế suất thu nhập cá nhân; giảm VAT hàng thiết yếu nội địa…

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng chỉ rõ, hiện nay, nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Nhưng nếu “tháo” điều kiện tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu tăng lên, khiến “cục máu đông” nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý quay trở lại. Vì vậy, lãnh đạo NHNN cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần phải tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng và sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các chủ thể trong nền kinh tế, để giúp cho khu vực DN phục hồi ổn định và tiếp tục phát triển.

Đáng chú ý, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, DN, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế…

Thái An