Print

Hơn 2 tỷ người trên thế giới chưa được tiếp cận với nước sạch

Thứ Tư, 23 /08/2023 11:27

Theo UNICEF, gần một nửa dân số toàn cầu có thể phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch vào năm 2025. Góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng sắp xảy ra này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ) đang nghiên cứu và thí điểm áp dụng một loại bột khử trùng có thể giúp nhanh chóng lọc sạch nước bị ô nhiễm. Không giống như các phương pháp thông thường, sáng kiến này sử dụng ánh sáng mặt trời để loại bỏ vi khuẩn trong vòng 1 phút.

Trung tuần tháng 5/2023 vừa qua, Đại học Stanford (Mỹ) công bố kết quả nghiên cứu về một loại bột khử trùng có thể giúp nhanh chóng lọc sạch nước bị ô nhiễm. Công nghệ này là duy nhất vì bột phản ứng với tia UV của ánh sáng mặt trời. Sau đó, tạo ra các hóa chất tấn công màng tế bào của vi khuẩn để tiêu diệt chúng. Nghiên cứu ban đầu cho thấy, loại bột này hiệu quả đến mức có thể khử trùng nước uống chỉ trong 60 giây.

Một tiến bộ lớn so với các phương pháp khử khuẩn thông dụng hiện tại

Bột khử khuẩn của Đại học Stanford được làm từ “các mảnh kim loại có kích thước nano, gồm đồng, oxit sắt, oxit nhôm và molypden sulfide”, có hiệu quả về mặt chi phí và sẵn có. Sản phẩm bền vững vì kim loại dễ chế tạo và tái sử dụng. Cơ chế bột hoạt động như “nam châm” thu thập các hạt nano kim loại từ nước sạch, sau đó “đặt” vào nước bị ô nhiễm. Nước có thể uống an toàn ngay sau khi khử nhiễm do các sản phẩm phụ hóa học phân hủy thành nước và oxy. Trong quá trình nghiên cứu, một lượng bột nhỏ cũng đủ để khử trùng 30 mẫu nước. Để thuận lợi hơn, bột có thể tái sử dụng, cho phép mọi người tiếp cận với nước sạch lâu hơn.

Nếu được triển khai rộng rãi, đây có thể được coi là một tiến bộ lớn so với các phương pháp khử khuẩn thông dụng hiện tại. Bởi phương pháp dùng hóa chất có thể làm nảy sinh tác dụng phụ tiêu cực cho nguồn nước hay phương pháp sử dụng tia cực tím cần có điện, gây khó khăn cho việc thực hiện xử lý nước trên quy mô lớn hay vùng sâu, vùng xa.

Hi vọng của hơn 2 tỷ người?

Ở những khu vực khan hiếm nước, có rất ít cơ hội để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn nước sạch. Sử dụng nước bị ô nhiễm khiến con người mắc các bệnh có thể phòng, ngừa được như tiêu chảy, thương hàn và dịch tả. Tiêu chảy gây ra khoảng 446.000 ca tử vong mỗi năm ở trẻ em dưới 5 tuổi, chiếm 9% tổng số ca tử vong ở trẻ em trong độ tuổi đó. Do đó, tiếp cận đầy đủ với nước sạch cho phép thực hành vệ sinh và nâng cao sức khỏe cho mọi người nói chung, trẻ em nói riêng.

Nghiên cứu của Đại học Stanford đã thí nghiệm bột khử khuẩn trên nước nhiễm khuẩn E.coli- một khuẩn gây ô nhiễm nguồn nước phổ biến, gây ra các bệnh về đường tiêu hóa- ra được hiệu quả tốt. Nếu được triển khai diện rộng, tin rằng bột khử khuẩn của Đại học Stanford là bước “cách mạng hóa” việc tiếp cận nước sạch cho khoảng 2 tỷ người thiếu nước trên toàn thế giới. Qua đó, vấn đề vệ sinh được cải thiện; nâng cao đáng kể sức khỏe và chất lượng cuộc sống nói chung của mỗi cá nhân.

Tùng Anh (Theo UNICEF)