Print

Lao động Việt Nam sang Nhật Bản vẫn phải chịu mức phí cao

Thứ Hai, 28 /08/2023 13:05

Nhật Bản là đích đến của hơn một nửa số lao động Việt Nam đi làm việc mỗi năm, hiện có hơn 200.000 thực tập sinh, đông nhất trong các nước phái cử lao động ở quốc gia này. Tuy nhiên, lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường này vẫn phải chịu mức phí khá cao.

Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản chính thức bắt đầu kể từ năm 1992 thông qua tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ năng tại Nhật Bản với thời gian từ 3- 5 năm, mức thu nhập bình quân đạt 1.200- 1.400 USD/tháng. Đến nay, hợp tác về lao động ngày càng tốt đẹp và không ngừng phát triển đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân, doanh nghiệp của cả hai quốc gia. Đến hết năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản là khoảng 345.000 người; Việt Nam hiện là quốc gia phái cử nhiều nhất trong số 15 quốc gia tham gia phái cử lao động tại Nhật Bản.

Thông tin cụ thể hơn về tình hình phái cử lao động Việt Nam sang Nhật Bản, ông Phạm Viết Hương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Số lượng thực tập sinh tăng 8 lần từ 10.000 người năm 2013 lên 82.700 người năm 2019 và sau 3 thập kỷ, Nhật Bản tiếp nhận tổng cộng hơn 400.000 thực tập sinh Việt Nam. Ngoài ra, còn có 80.000 lao động kỹ năng đặc định (có thể làm việc dài hạn ở Nhật với mức lương tốt hơn so với thực tập sinh), chủ yếu từ thực tập sinh chuyển sang; gần 1.700 ứng viên điều dưỡng, hộ lý; 65.000 lao động kỹ thuật, kỹ sư, phiên dịch viên và hàng nghìn lao động huyện nghèo đi làm việc theo Chương trình JM Japan. Tổng cộng hơn 345.000 lao động Việt Nam đang làm việc, sinh sống tại Nhật trong 84 ngành nghề. Đây là một kết quả rất tích cực thể hiện chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây.

Ngoài các chương trình hợp tác giữa Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã ký kết bản ghi nhớ với chính quyền một số địa phương của Nhật Bản như tỉnh Kanagawa, Ibaraki, Gunma, Chiba, Miyagi, Wakayama..., để thúc đẩy việc đưa thực tập sinh, lao động Việt Nam đến các tỉnh đó trong các lĩnh vực, ngành nghề cụ thể mà địa phương có thế mạnh, nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động và NLĐ Việt Nam mong muốn đến làm việc. Tuy vậy, chương trình thực tập sinh kỹ năng từ 1992 đến nay bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, lao động chỉ nhận lương tối thiểu, không thưởng, không phụ cấp như người bản địa; thực tập sinh cũng không được chuyển nơi khác trong trường hợp công việc không phù hợp, chủ đối xử không tốt.

Bên cạnh đó, cùng với việc số lượng thực tập sinh, lao động Việt Nam tại Nhật Bản tăng mạnh, tình trạng thực tập sinh, lao động bỏ trốn khỏi nơi thực tập, cư trú làm việc bất hợp pháp, vi phạm pháp luật Nhật Bản mặc dù có xu hướng giảm, nhưng vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số doanh nghiệp phái cử chưa thực hiện tốt việc tuyển chọn, phái cử và quản lý lao động; một số nghiệp đoàn Nhật Bản không thực hiện đúng quy định pháp luật hai nước như yêu cầu doanh nghiệp phái cử thết đãi quá mức, trả tiền hoa hồng khi tiếp nhận lao động..., từ đó tạo ra gánh nặng chi phí cho lao động. “Hiện nay, các cơ quan liên quan của Nhật Bản đang xem xét sửa đổi Chương trình thực tập kỹ năng. Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan đóng góp ý kiến để phía Nhật Bản tham khảo trong quá trình sửa đổi chính sách”- ông Hương cho biết.

Cùng với đó, một số xí nghiệp tiếp nhận thực tập sinh có điều kiện, môi trường làm việc chưa tốt (như công việc nặng nhọc nhưng thu nhập không cao, bố trí thực tập không đúng với ngành nghề, địa điểm đã đăng ký). Đáng chú ý, một số lao động phải trả chi phí cao hơn nhiều so với quy định. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, một số lao động Việt Nam bị mất việc làm, không có thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà. Chưa kể đồng Yên Nhật thời gian qua bị mất giá đáng kể khiến cho thu nhập thực tế của lao động tại Nhật Bản giảm nhiều.

Trước những hạn chế trên, Việt Nam đề nghị Nhật Bản cải tiến các chương trình tiếp nhận thực tập sinh, chương trình lao động kỹ năng và đánh giá lại chương trình tiếp nhận điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi. Ngoài ra, phía Nhật Bản xem xét mở rộng ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh trong lĩnh vực phục vụ nhà hàng, khách sạn, bảo dưỡng đường sắt đô thị và tàu cao tốc, thi công, xây dựng công trình ngầm...

Cả nước có hơn 600.000 lao động đang làm việc tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm chuyển về gần 4 tỷ USD ngoại tệ theo đường chính ngạch, chưa kể các kênh khác. Trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan vẫn là thị trường truyền thống thu hút trên 90% lao động Việt Nam.

Nguyệt Hà