Print

Trung Quốc mở chiến dịch chống tham nhũng trong ngành y tế

Thứ Ba, 29 /08/2023 20:22

Trung Quốc vừa khởi động một chiến dịch chống tham nhũng với quy mô chưa từng có nhằm vào các bệnh viện, ngành dược phẩm và các quỹ bảo hiểm nước này.

Hãng thông tấn nhà nước China News Service đưa tin, có tới hơn 180 lãnh đạo bệnh viện ở Trung Quốc đã bị điều tra trong năm nay, trong đó ít nhất 10 người tự nguyện đầu thú kể từ tháng 6. Con số này cao hơn gấp đôi so với năm ngoái.

Trong thời gian qua, chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ Trung Quốc là một trong những tiêu điểm thu hút sự quan tâm của người dân. Các thông tin liên quan được đăng tải và thảo luận mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội. Mới đây nhất, một giám đốc bệnh viện nhỏ ở tỉnh Vân Nam bị cáo buộc đút túi hơn 2,2 triệu USD khi mua thiết bị y tế để điều trị ung thư trong năm 2021.

Chiến dịch chống tham nhũng trong ngành y tế lần này của chính phủ Trung Quốc có sự hỗ trợ và tham gia của 10 cơ quan quốc gia cùng nhiều sở, ngành cấp tỉnh. Mức độ phối hợp được đánh giá là tương đối lớn và quy mô đối với một chiến dịch như vậy trong một thập niên chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo báo chí Trung Quốc, một số khu vực thậm chí đã thiết lập đường dây nóng để người dân gọi điện thông báo về tình trạng tham nhũng trong ngành. Đầu mùa Hè vừa qua, Thượng Hải đã triển khai hệ thống thưởng tiền cho người báo cáo các hành vi bất hợp pháp dưới sự giám sát của cơ quan giám sát thị trường. Số cuộc điều tra trong lĩnh vực y tế trên toàn quốc được cho là sẽ tăng thêm trong thời gian tới.

Ren Jianming- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Liêm chính tại Đại học Beihang của Trung Quốc nhận định tốc độ chính quyền các địa phương tiến hành điều tra và mức độ nghiêm trọng của các mức phạt được đưa ra là rất ấn tượng. Một hãng tin khác của nhà nước Trung Quốc mô tả chiến dịch này là "chưa từng có về chiều sâu, chiều rộng và cường độ" nhằm vào lĩnh vực y tế.

Theo giới chuyên gia, chiến dịch chống tham nhũng này là nỗ lực mạnh nhất của Trung Quốc từ trước đến nay nhằm giải quyết vấn đề trong một ngành mà chi phí có tác động trực tiếp đến phúc lợi và ngân sách của các gia đình ở đất nước tỷ dân. Mặc dù phạm vi được hưởng BHYT rất rộng nhưng chi phí chăm sóc sức khỏe hiện vẫn là gánh nặng lớn đối với nhiều người ở Trung Quốc. 

Bắc Kinh chưa cho biết lý do tại sao họ chọn tăng cường nỗ lực vào thời điểm hiện tại và một số người đã đặt câu hỏi liệu việc trấn áp tham nhũng có giải quyết được các vấn đề mang tính hệ thống đang gây ra vấn đề hay không.

Hệ thống y tế của Trung Quốc từ lâu đã tồn tại tình trạng các bệnh viện kê đơn thuốc điều trị quá mức để tăng hóa đơn hoặc nhận tiền hoa hồng từ các đại lý dược phẩm và kê đơn các loại thuốc đắt đỏ. Một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) và ĐH Harvard (Mỹ) được công bố vào tháng 2/2023 chỉ ra hối lộ chiếm hơn 2/3 trong số 3.546 trường hợp tham nhũng y tế công được đưa ra xét xử ở Trung Quốc trong giai đoạn 2013-2019. Khoảng 80% người nhận hối lộ là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hầu hết người đưa tiền lại quả là nhà cung cấp dược phẩm, thiết bị y tế và vật tư khác.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) tuần trước tuyên bố, nhiều cơ quan sẽ tham gia chống hành vi "trục lợi", nhận tiền lót tay và sử dụng quỹ BHYT không đúng mục đích. NHC cho biết thêm, chiến dịch chống tham nhũng sẽ bao gồm điều tra toàn bộ chuỗi sản xuất trong ngành dược phẩm cũng như các tổ chức và quỹ y tế.

Cuối tháng 7, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc chuyên về chống tham nhũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch và tổ chức một hội nghị trực tuyến kêu gọi những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc chiến chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế.

Ngọc Tuấn