Công bố Báo cáo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam
Ngày 31/5, Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) tổ chức Hội thảo Công bố báo cáo Đánh giá 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE 500) trong giai đoạn 2021-2022.
Chia sẻ những nội dung chính của Báo cáo, TS.Trần Toàn Thắng- Trưởng ban Quốc tế Viện Chiến lược phát triển cho biết, đại dịch đã làm giảm quy mô lao động của DN với mức độ ảnh hưởng đối với DN nhỏ bị tác động nhiều hơn so với DN lớn. Trong 2 năm đại dịch bùng phát, những DN có sự sụt giảm lớn về quy mô thuộc về nhóm giải trí, xây dựng, dịch vụ lưu trú ăn uống. Trong khi đó, nhóm ngành có tăng trưởng khá tốt là điện, y tế, vận tải, kho bãi. VPE500 phân bố ở 21/21 ngành cấp 1, trong đó, tập trung nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại và xây dựng. Và mặc dù xuất hiện ở 53/63 tỉnh/thành phố, VPE500 tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ (chiếm khoảng 75%) và có xu hướng tăng nhẹ. Nhìn chung, VPE500 đang được hình thành dựa trên các lợi thế hạ tầng, nguồn lực và thị trường của các địa phương...
Trong danh sách 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm nay, các DN dịch vụ chiếm ưu thế về số lượng, đặc biệt là trong nhóm 11 DN lớn nhất. Cụ thể, ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm ưu thế nhất, tiếp theo là ngành thương mại. Ngược lại, nhóm DN hoạt động trong ngành bất động sản và xây dựng chiếm tỷ lệ khá cao trong danh sách VPE500 nhưng giảm nhanh cả về số lượng và vị trí do gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn Covid-19. Nhóm DN ngành chế biến chế tạo cũng có biến động khá lớn trong danh sách VPE500, có thời điểm chiếm 49% trong danh sách VPE500 (năm 2000) nhưng thứ hạng trong bảng danh sách không cao.
Ông Florian Constatin Feyerabend- Trưởng đại diện Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) Việt Nam cho biết, báo cáo không chỉ phân tích các DN tư nhân lớn nhất Việt Nam đã có những thay đổi như thế nào trong bối cảnh đó, khả năng chống chịu của họ ra sao, mà còn trả lời câu hỏi họ có phải là trụ đỡ cho phát triển của các DN tư nhân nói chung hay không. Trong nền kinh tế toàn cầu đầy biến động hiện nay, khu vực tư nhân đã và đang góp phần duy trì nền kinh tế Việt Nam, tạo ra 57,8% doanh thu thuần của các DN tính đến cuối năm 2021. Trong khu vực tư nhân, các DN lớn nhất trong nước có thể được coi là những người dẫn đầu thị trường và có ảnh hưởng đến nền kinh tế. Hiệu quả hoạt động của những DN này phản ánh sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế.
Báo cáo VPE500-2023 đánh giá: Mặc dù DN tư nhân ở Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, nhưng hiện nay chưa có nhiều DN tư nhân lớn, đạt được tầm cỡ thế giới. Các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Ví dụ như kết quả phân tích tại thời điểm 31/12/2021, cả nước có 694,200 DN tư nhân trong nước, chiếm 96,6% tổng số DN đang hoạt động. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 0,22% số DN có quy mô từ 500 lao động trở lên, thấp hơn tỷ lệ chung 0,52% cũng như 8,29% của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 19,52% của DN nhà nước.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng: Trong giai đoạn Covid-19, mức độ ổn định của VPE500 có cao hơn, cho thấy DN lớn vẫn duy trì tốt được vị thế của mình trên thị trường so với nhóm DN nhỏ và vừa, hoạt động vượt trội và vẫn duy trì tốt được tốc độ tăng trưởng. Mức độ vượt trội trên khía cạnh quy mô và kết quả kinh doanh bình quân của DN tư nhân trong nước.Trung bình giai đoạn 2019-2021, quy mô lao động cao gấp 160 lần và tổng tài sản bình quân của một DN thuộc VPE500 cao gấp khoảng và 376 lần DN tư nhân trong nước nói chung.
Nhằm mục đích cung cấp thêm một chỉ số hiệu quả cho quản lý kinh tế vĩ mô tại Việt Nam, nhóm chuyên gia xây dựng Báo cáo VPE500 cũng đưa ra khuyến nghị, các chính sách với DN trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với DN trong gia nhập thị trường mà còn giúp DN sống sót và tăng trưởng. Đặc biệt, khuyến khích các DN lớn đầu tư để cải tạo năng suất chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu. Cùng với đó, Chính phủ có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết DN, khuyến khích DN lớn, DN nhà nước, DN FDI liên doanh, liên kết với các DN nhỏ và vừa trong nước. Đồng thời, nâng cao năng lực DN tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời, cần khuyến khích và tạo phong trào để từng địa phương xây dựng được các DN tư nhân hàng đầu của mình dựa trên những lợi thế địa phương và vươn tầm hoạt động trên phạm vi cả nước.
Thái An