Print

Đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu để tăng số người tham gia BHXH tự nguyện

Thứ Sáu, 01 /09/2023 08:44

Chính sách BHXH tự nguyện chưa đủ tính hấp dẫn do chưa có các chế độ ngắn hạn như với BHXH bắt buộc. Do đó, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất chính sách để thu hút người dân tham gia nhiều hơn.

Báo cáo Tổng kết thực hiện Luật BHXH năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, giai đoạn 2016- 2021, cả nước có hơn 54.000 người đóng BHXH tự nguyện đủ điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu. Như vậy, mỗi năm có thêm 9.000 người hưởng lương hưu từ loại hình BHXH tự nguyện. Đáng chú ý, Luật BHXH năm 2014 cũng quy định chế độ hưu trí của BHXH tự nguyện liên thông với chính sách BHXH bắt buộc thông qua việc quy định điều kiện hưởng lương hưu, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH giống nhau. Thời gian đóng BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc được cộng dồn đã tạo điều kiện cho NLĐ linh hoạt, tiện lợi chuyển đổi giữa 2 loại hình BHXH phù hợp với quan hệ lao động, nhu cầu và khả năng tài chính của mỗi người.

Tuy nhiên, thời gian qua, bộ, ngành, cơ quan có liên quan đánh giá, chính sách chưa đủ tính hấp dẫn do chưa có các chế độ ngắn hạn như với BHXH bắt buộc. Bên cạnh đó, nhiều lao động phản ánh, quy định phải đóng đủ BHXH từ 20 năm trở lên mới đủ điều kiện hưởng lương hưu là quá dài. Điều đó khiến nhiều NLĐ không đủ động lực để tham gia BHXH tự nguyện.

Do vậy, để tăng tính hấp dẫn cho BHXH tự nguyện, Chính phủ đã có Tờ trình gửi Quốc hội về Dự án Luật BHXH (sửa đổi), trong đó bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp NLĐ bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, những người bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện trước ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1/7/2025) và có đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ. Khi nghỉ hưu ở tuổi này, người tham gia BHXH tự nguyện không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu như với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi. “Theo quy định của Luật BHXH hiện hành, NLĐ tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi có từ đủ 20 năm đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu. Thực tế, Bộ luật Lao động năm 2019 đề ra lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu, để lao động nữ làm đến 60 tuổi (tăng 5 tuổi), lao động nam đến 62 tuổi (tăng 2 tuổi) mới được nghỉ hưu. Theo đó, điều kiện thời gian chờ để được hưởng lương hưu cũng tăng dần. Do vậy, để vừa đảm bảo phù hợp với định hướng tăng tuổi nghỉ hưu chung, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung quy định chuyển tiếp với những trường hợp NLĐ đã tham gia BHXH tự nguyện từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được hưởng nguyên điều kiện tuổi hưởng lương hưu như trên”- Bộ LĐ-TB&XH lý giải.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện khi NLĐ tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con (bằng mức NSNN đang hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số). Chế độ thai sản của BHXH tự nguyện do NSNN đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.

Việc Chính phủ đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện dựa trên cơ sở Nghị quyết số 28-NQ/TW. Và trong quá trình khảo sát thực tiễn việc tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu quan trọng đó chính là chính sách BHXH còn thiếu hấp dẫn, NLĐ chưa được hưởng các quyền lợi ngắn hạn, trong khi mức hỗ trợ cho người dân tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp. Thực tiễn thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người DTTS thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số.

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia BHXH tự nguyện đã góp phần mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian qua. Theo đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng mạnh từ khoảng 0,2 triệu người tham gia năm 2016 lên gần 1,45 triệu người tham gia năm 2021, chiếm 3,25% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 7,25 lần so với năm 2016). “Việc đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện nhằm thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, theo kinh nghiệm của nhiều nước, việc bổ sung chế độ này được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng giảm sinh”- Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Nguyệt Hà