Print

BHYT HSSV góp phần thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân

Thứ Hai, 04 /09/2023 09:41

Ngay từ những năm đầu tiên triển khai chính sách BHYT, nhóm HSSV đã được chú trọng và từng bước mở rộng số người tham gia. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách cũng như chỉ đạo tổ chức thực hiện, Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến thực hiện BHYT HSSV.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo về phát triển BHYT HSSV như sau: Cần mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với một số nhóm tham gia các loại hình BHXH, BHYT, trong đó có BHYT cho HSSV.

Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/3/2013 cũng đã đặt ra yêu cầu tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với nhóm HSSV. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, đã quy định rõ nhiệm vụ phát triển BHYT HSSV rất cụ thể cho cả ngành GD-ĐT, chính quyền các cấp...

Trong Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/4/2015 về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và BHYT, Chính phủ cũng chỉ rõ Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện mở rộng BHYT HSSV, đảm bảo đạt 100% HSSV tham gia BHYT.

Ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt phải đẩy mạnh thực hiện BHYT HSSV; giao Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT.

Trong những năm qua, cụ thể hóa các định hướng chỉ đạo nói trên, với sự vào cuộc của ngành GD-ĐT, cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự chủ động, cố gắng của ngành BHXH Việt Nam, cho đến nay, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT trên cả nước đã đạt con số tích cực đạt trên 97%, tương ứng với con số cụ thể là trên 18,8 triệu HSSV.

Hiệu quả thực hiện BHYT không chỉ nằm ở diện bao phủ ngày càng tăng lên, mà quan trọng hơn là quyền lợi BHYT cho HSSV ngày càng được đảm bảo. Theo đó, khi tham gia BHYT, HSSV được hưởng nhiều lợi ích hơn như: Được CSSKBĐ ngay tại trường học; được KCB BHYT với các thủ tục thuận tiện, thông thoáng, được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn….

Trong khoảng 2 năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 2,3 triệu HSSV sử dụng thẻ BHYT, với khoảng 3,3 triệu lượt KCB BHYT; tổng chi phí KCB BHYT với nhóm HSSV bình quân/năm là trên 1.875 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính phải qua nhiều đợt điều trị, dài ngày như: chạy thận nhân tạo, điều trị ung thư, phẫu thuật tim mạch,… Chi phí từ quỹ BHYT cho các ca bệnh này từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng. Như trường hợp HS ở tỉnh Vĩnh Long (mã thẻ HS48686217…) được quỹ BHYT chi trả chi phí lên đến 1,18 tỷ đồng. Hay như một em HS ở TP.HCM (mã thẻ HS47979369…) cũng được quỹ BHYT chi trả khoảng 1,1 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, công tác CSSKBĐ tại các trường học hiện đang được vận hành chủ yếu từ nguồn kinh phí trích lại từ quỹ KCB BHYT. Theo đó, hoạt động y tế trường học đã được quỹ BHYT bảo đảm chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ, phân loại sức khỏe cho HS đầu năm học; tổ chức các hoạt động tư vấn, GD sức khỏe và phòng bệnh…. Việc chăm sóc sức khỏe tại trường học không chỉ giúp HSSV và gia đình phát hiện bệnh kịp thời, chăm sóc và tạo điều kiện điều trị các căn bệnh trường học liên quan đến thị lực, điều chỉnh tư thế viết, ngồi học chống cong vẹo cột sống… Từ đây, còn phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể dẫn tới những căn bệnh mạn tính, nan y nguy hiểm, kịp thời can thiệp, điều trị sớm, đảm bảo sức khỏe các em trong tương lai.

Theo quy định của Luật BHYT, HSSV là nhóm bắt buộc tham gia BHYT. Do đó, việc tham gia BHYT không những là quyền lợi mà còn là trách nhiệm phải tuân thủ pháp luật. Tham gia BHYT cũng là thể hiện tinh thần tương thân tương ái của các em HSSV. Đồng thời, thông qua việc đóng BHYT, các em HSSV sẽ chia sẻ rủi ro với những người không may bị ốm đau, bệnh tật…, đặc biệt với những người nghèo, người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.

Dù vậy, hiện còn còn khoảng 3% HSSV chưa tham gia BHYT, tập trung ở nhóm SV các trường ĐH, CĐ và HS các trường trung cấp, đào tạo nghề. Trong số này, một số HSSV và phụ huynh vẫn còn hiểu chưa thấu đáo về chính sách BHYT của Đảng, Nhà nước; còn thờ ơ, chủ quan với chính sức khỏe của bản thân, cho rằng chỉ cần tham gia BHYT những lúc ốm đau.

Đây là những hạn chế cần phải sớm khắc phục, đảm bảo thực hiện đúng định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta về BHYT và nhất là BHYT HSSV. Theo đó, BHXH Việt Nam đề nghị tiếp tục nêu cao trách nhiệm của các bộ, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo thực hiện BHYT nói chung và đặc biệt là BHYT HSSV nói riêng.

Cần phải nhấn mạnh rằng, thực hiện hiệu quả BHYT HSSV không chỉ đem lại lợi ích trước mắt (tăng diện bao phủ, đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho các em HSSV). mà quan trọng hơn, thực hiện tốt BHYT HSSV, nhất là tuyên truyền hiệu quả về BHYT sẽ nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về an sinh xã hội của đất nước, góp phần hun đúc, xây dựng nếp văn hóa, thói quen tham gia BHXH, BHYT. Qua đó, tiếp tục lan tỏa, tăng tính chia sẻ, nhân văn của chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta.

Để đảm bảo nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện BHYT HSSV, BHXH Việt Nam hiện đang phối hợp chặt chẽ cùng Bộ GĐ-ĐT triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, 2 bên đang thúc đẩy tích cực việc kết nối và đồng bộ dữ liệu về HSSV trên cả nước, tạo thuận lợi cho việc triển khai thu BHYT HSSV. Từ nguồn CSDL được chia sẻ, chuẩn hóa, các đơn vị (cơ quan BHXH cũng như các trường học) sẽ có cơ sở để rà soát, xác định được số HSSV chưa tham gia BHYT, từ đó triển khai các giải pháp đồng bộ trong đôn đốc, tuyên truyền, vận động. Đây cũng là giải pháp góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, thúc đẩy xây dựng, nâng cao chất lượng GD toàn diện.

BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo Sở GD-ĐT, Ban Giám hiệu các trường học phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH thực hiện tốt công tác BHYT HSSV. Đồng thời bố trí nguồn lực (bao gồm cả nhân lực và cơ sở vật chất) để tiếp tục thực hiện y tế trường học chất lượng, sử dụng thật hiệu quả nguồn kinh phí CSSKBĐ được trích lại từ quỹ BHYT.

Đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp tục cải cách TTHC, nâng cao chất lượng KCB, qua đó đảm bảo quyền lợi BHYT của người dân và nhóm HSSV.

Để khắc phục những hạn chế đang còn tồn tại, tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hướng tới bao phủ 100% BHYT đến nhóm HSSV, BHXH các tỉnh, thành phố phải chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp.

Theo đó, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, BCĐ thực hiện BHXH, BHYT chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT, tập trung các giải pháp để đạt 100% BHYT HSSV. Chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể các ngành: GD-ĐT, Y tế, UBND cấp huyện trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT đối với HSSV. Nêu cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, tiếp tục lan tỏa ý nghĩa chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT; nhân rộng, lan tỏa phong trào kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm ủng hộ tặng thẻ BHYT cho các em HSSV có hoàn cảnh khó khăn.

Phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT, chỉ đạo các trường học tích cực rà soát, lập danh sách HSSV thuộc diện tham gia BHYT tại trường học, triển khai các thủ tục đảm bảo thu đúng, đủ BHYT HSSV theo đúng quy định của Luật BHYT. Cơ quan BHXH phải đảm bảo thuận lợi trong các TTHC, tăng cường và nâng cao chất lượng giao dịch điện tử. Đảm bảo bố trí, phân công cán bộ kịp thời xét duyệt hồ sơ để cấp thẻ BHYT đối với HSSV đầu cấp và gia hạn giá trị sử dụng thẻ BHYT đối với các đối tượng còn lại. Kịp thời chuyển kinh phí CSSKBĐ cho các trường học theo đúng quy định.

Đặc biệt, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường truyền thông về BHYT HSSV. Coi đây là giải pháp đáp ứng mục tiêu trước mắt cũng như hướng tới sự phát triển BHYT bền vững, dài lâu. Theo đó, cần tập trung triển khai đa dạng, sáng tạo các hình thức truyền thông hướng tới các em HSSV và phụ huynh để từng phụ huynh và mỗi em HSSV nhận thức sâu sắc về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHYT. Cụ thể, cần tiếp tục phát huy hiệu quả các hình thức truyền thông trực tuyến/gián tiếp (gửi tin nhắn SMS, qua ứng dụng VSSID, tương tác qua mạng xã hội Zalo, Facebook, hội nghị trực tuyến/live stream...). Tập trung truyền tải các nội dung về bản chất nhân văn của BHYT, hiệu quả KCB BHYT với HSSV, các trường hợp được quỹ BHYT chi trả chi phí cao... Lưu ý truyền thông giải thích về việc điều chỉnh mức đóng BHYT năm học 2023-2024 theo lương cơ sở mới. Linh hoạt các phương án thu (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng/lần), tạo thuận lợi cho phụ huynh trong dịp đầu năm học mới.

Vì mục tiêu phát triển BHYT năm 2023, tầm nhìn xa hơn là hướng tới phát triển BHYT bền vững, tất yếu phải tổ chức thực hiện hiệu quả công tác BHYT HSSV qua từng năm học. BHYT là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước; thực hiện tốt BHYT tại các trường học cũng là yếu tố góp phần rèn luyện nhân cách cho các em HSSV, tăng tính tuân thủ pháp luật, đồng thời GD về tính chia sẻ, tương thân, tương ái qua việc tham gia BHYT.

Đồ họa: Thanh An