Mỗi tháng có hơn 5.000 giấy phép lái xe được đổi theo hình thức trực tuyến
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành Đề án “Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung với lĩnh vực đường bộ”; xây dựng chương trình chuyển đổi số Bộ GTVT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch tổng thể triển khai Đề án 06. Trong đó, tập trung ưu tiên triển khai trước các hệ thống, dữ liệu nền tảng và các hệ thống nghiệp vụ có tác động lớn.
Theo Bộ GTVT, với DVC đổi Giấy phép lái xe (GPLX), Bộ GTVT đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm sạch dữ liệu GPLX và kết nối dữ liệu khám sức khỏe. Từ đây, mở rộng cung cấp DVC trực tuyến trong toàn quốc từ tháng 11/2022. Đến nay, trung bình mỗi tháng có hơn 5.000 GPLX được đổi theo hình thức trực tuyến, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí.
Nhân viên Bưu điện hướng dẫn người dân thực hiện đổi GPLX trực tuyến
Bộ GTVT cũng đang đẩy mạnh kinh tế số trong lĩnh vực hàng hải thông qua việc thúc đẩy chuyển đổi số tại các cảng biển. Điều này giúp các DN khai thác cảng biển quản lý, điều hành khai thác hiệu quả hơn; điều động phương tiện, thông quan hàng hoá nhanh chóng, giúp kéo giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, hệ thống thu phí điện tử không dừng do Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì đã được triển khai rộng khắp trên cả nước, với hơn 5,6 triệu xe được dán thẻ, giúp người dân tham gia giao thông nhanh chóng, an toàn và minh bạch trong công tác quản lý. Đặc biệt, Cục Đường bộ Việt Nam còn xây dựng quy trình quản lý tuyến cố định, biển hiệu, phù hiệu cho xe kinh doanh vận tải bằng ứng dụng công nghệ toàn diện, giám sát hành trình phương tiện xe ô tô vận tải để phát hiện vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ tự động, minh bạch, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vận tải và ATGT...
Theo ông Nguyễn Danh Huy- Thứ trưởng Bộ GTVT, chuyển đổi số ngành GTVT được triển khai tổng thể theo một kiến trúc thống nhất. Việc kết nối, trao đổi dữ liệu giữa các lĩnh vực được thông qua những nền tảng và các CSDL dùng chung. Cũng theo Thứ trưởng Huy, chuyển đổi số là khái niệm mới với cách làm mới, không giống việc ứng dụng CNTT như giai đoạn trước đây- sẽ dẫn tới thay đổi quy trình, phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số. Vì vậy, người đứng đầu các đơn vị phải là người trực tiếp chỉ đạo chuyển đổi số lĩnh vực được giao phụ trách.
“Các đơn vị chuyển đổi số mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân thời gian qua mới chỉ là kết quả bước đầu, các nhiệm vụ cần phải thực hiện còn nhiều và cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong thời gian tới mới có thể đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra, nhất là việc tiếp tục nâng cao nhận thức kỹ năng số cho người dùng trong ngành GTVT và gắn trách nhiệm của người đứng đầu với nhiệm vụ chuyển đổi số của lĩnh vực được giao phụ trách”- Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhận định.
Theo Bộ GTVT, trong năm 2023, Bộ tập trung tái cấu trúc quy trình TTHC, xây dựng CSDL để cung cấp DVC trực tuyến, nhất là các DVC trực tuyến toàn trình, nâng cao tỷ lệ DVC trực tuyến và số hồ sơ thực hiện trực tuyến. Giai đoạn 2023-2024, Bộ sẽ tập trung hoàn thành xây dựng các nền tảng dùng chung và các cơ sở dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và DN hoạt động trong lĩnh vực GTVT; tập trung chuyển đổi số đối với các lĩnh vực này. Đặc biệt, ưu tiên các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng các CSDL dùng chung; cung cấp DVC trực tuyến cho người dân, DN.
Hà Thủy