Cứu sống nam thanh niên vỡ động mạch chủ do nổ lốp ô tô
Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch (BV E) đã cứu sống thành công một nạn nhân bị tai nạn lao động thương tâm do nổ lốp xe ô tô tại gara, gây vỡ động mạnh chủ trong lồng ngực…
Nạn nhân nam (18 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) làm nghề sửa chữa ô tô tại một gara ở quận Cầu Giấy. Khi bơm xong, nạn nhân ngồi trên chiếc lốp để lắp lại nút van lốp, thì không may chiếc lốp phát nổ, khiến nạn nhân bị thành lốp đập mạnh vào thành ngực và ngất tại chỗ. Ngay lập tức, nạn nhân đã được đồng nghiệp đưa vào cấp cứu tại một BV tư nhân. Tuy nhiên, sau khi chiếu chụp cần thiết, các bác sĩ ở đó nghi ngờ nạn nhân bị tổn thương động mạch chủ cần được xử trí cấp cứu, nên đã chuyển ngay lên Trung tâm Tim mạch (BV E).
BS.Nguyễn Hoàng Nam- Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực (BV E) cho biết, nạn nhân nhập viện trong tình trạng đau tức ngực nhiều, có vài vết bầm tím trên thành ngực đoạn giữa xương ức và thở oxy mask… Do đó, các bác sĩ ngay lập tức cho nạn nhân làm những xét nghiệm cần thiết như siêu âm tim và CT thành ngực có tiêm chất cản quang để đánh giá chính xác những tổn thương do chấn thương ngực của nạn nhân.
Kết quả cho thấy, nạn nhân bị tổn thương vỡ eo động mạch chủ sau chấn thương. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn, xin ý kiến TS-BS.Nguyễn Công Hựu- Giám đốc BV E và xác định đây là một ca tối cấp cứu cần xử trí mổ gấp cho nạn nhân. Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật can thiệp đặt stent-graft nội mạch, có màng bọc từ đường động mạch đùi lên để che ổ rách eo động mạch chủ, có mở cửa sổ cho động mạch dưới đòn trái cho nạn nhân. Sau can thiệp, người bệnh được kiểm soát toàn trạng huyết động và các dấu hiệu sinh tồn.
BS.Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ thêm, vỡ eo động mạch chủ hiếm gặp và rất nguy hiểm, có thể gặp trong những tai nạn có lực tác động rất lớn vào lồng ngực như tai nạn ô tô hoặc ngã cao. Eo động mạch chủ là nơi dễ bị tổn thương nhất do eo động mạch chủ là vị trí tiếp giáp giữa phần cố định là quai động mạch chủ và phần di động là động mạch chủ xuống. Người bị vỡ eo động mạch chủ nếu không xử trí kịp thời, thì nguy cơ tỷ lệ tử vong trong 6 tiếng đầu là 24% và lên đến 50% trong 24 tiếng đầu đối với các chấn thương nặng. Đây là căn bệnh hiếm gặp và nguy hiểm nhưng có thể chẩn đoán chính xác và phát hiện sớm thương tổn và để đưa ra kế hoạch điều trị, can thiệp, phẫu thuật, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT có thuốc cản quang, siêu âm tim qua thực quản...
Đối với chấn thương động mạch chủ có thể áp dụng phương pháp điều trị nội khoa bảo tồn cho thể nhẹ (type I, II) và phẫu thuật với thể nặng (type III, IV). Phẫu thuật mở ngực, chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể với mục đích để tim bệnh nhân ngừng đập, sau đó cắt và thay đoạn mạch trong lồng ngực. Đây là phẫu thuật rất nặng, tỷ lệ tử vong cao kèm theo liệt tủy và thời gian hồi sức sau mổ kéo dài.
Với sự phát triển của y học hiện đại, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch (BV E) đã lựa chọn phương pháp can thiệp nội mạch, đặt stent-graft và có thể che phủ toàn bộ tổn thương mà không cần phải mổ mở, người bệnh hồi phục nhanh hơn, thời gian hồi sức ngắn hơn. Hiện, người bệnh đã ổn định sức khỏe và xuất viện trong thời gian sớm nhất.
Thái An