Print

Đề xuất BHYT chi trả phí sàng lọc một số bệnh phổ biến: Cần nghiên cứu kỹ tác động của chính sách

Thứ Sáu, 08 /09/2023 17:50

Sáng 8/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo đề xuất xây dựng phạm vi quyền lợi BHYT về vấn đề chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh trong Dự án Luật BHYT (sửa đổi). Theo các chuyên gia, cần phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ việc mở rộng phạm vi được hưởng trong mối tương quan với khả năng cân đối của quỹ BHYT và bảo đảm tính xã hội, chia sẻ rủi ro của BHYT.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Trang- Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết: Nhằm đồng bộ chính sách với Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực vào năm 2024, cũng như chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng BHYT của người dân. Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất quỹ BHYT chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh như: Ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C…

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Theo bà Trần Thị Trang, Bộ Y tế đang cố gắng có đánh giá về tác động, hiệu quả khi đưa các bệnh này vào dự thảo luật. Bởi, việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh sẽ giúp giảm các chi phí y tế, điều trị bệnh sau này, phòng tránh được rất nhiều bệnh lý tăng nặng, điều trị tốn kém như ung thư, đột quỵ, tim mạch… Đặc biệt, khi người bệnh vào điều trị nội trú do các bệnh ung thư, tim mạch…, tiền thuốc, kháng sinh, đặt stent cao gây chi phí rất lớn cho quỹ BHYT; còn bệnh nhân nếu được chẩn đoán sớm, điều trị ngay từ đầu, dùng thuốc sớm có thể giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tỷ lệ tăng nặng của bệnh.

Cũng theo đại diện Vụ BHYT, hiện tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân cho KCB vẫn còn cao, chiếm đến 43% tổng chi tiêu y tế. Việt Nam đang cố gắng phấn đấu giảm xuống còn khoảng 39%, mức lý tưởng nhất là 25-26%.

Đánh giá tác động khi mở rộng phạm vi được hưởng về chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh trong Dự án Luật BHYT (sửa đổi), bà Nguyễn Khánh Phương- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết: Nghiên cứu ban đầu đánh giá tác động về kinh tế của việc sàng lọc tăng huyết áp cho thấy, chi phí phát sinh do sàng lọc tăng từ năm thứ nhất đến năm thứ 4. Bắt đầu từ năm thứ 5, chi phí này giảm xuống (do đối tượng đích giảm).

Bà Trần Thị Trang- Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) phát biểu

Về chi phí tiết kiệm được khi sàng lọc sớm, trong năm thứ nhất chi phí điều trị vẫn ở mức khá cao (hơn 9.000 tỷ đồng), sau đó giảm dần do giảm số ca biến chứng nặng, đến năm thứ 4 chỉ còn 195 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm thứ 5, ngân sách không mất tiền mà còn tiết kiệm được chi phí cho điều trị. Cụ thể, đến năm thứ 10, ước tính ngân sách tiết kiệm được hơn 7.700 tỷ đồng. Tính tổng 10 năm có thể tiết kiệm đến hơn 12.000 tỷ đồng. Tương tự với bệnh đái tháo đường, tính gộp trong 10 năm, ngân sách tiết kiệm được gần 1.700 tỷ đồng.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, việc đưa danh mục chi trả sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh vào Luật BHYT như trong dự thảo là một trong những điểm mới. Bởi, hiện Luật BHYT chỉ mới chi trả cho các dịch vụ KCB. Trong khi đó, khám sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh như ung thư cổ tử cung về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đáng chú ý, người dân được dự phòng tốt hơn, trong trường hợp phát hiện sớm có thể điều trị sớm, giảm chi phí điều trị.

Cũng theo ông Lê Văn Phúc, năm 2023, dự kiến số thu và chi quỹ BHYT chỉ bảo đảm cân bằng. trong đó riêng giai đoạn 2022-2023, BHYT chi trả cho ung thư 10%. Khám sàng lọc ban đầu sẽ giúp bệnh nhân sớm phát hiện, điều trị bệnh, qua đó góp phần giảm được chi phí và thời gian điều trị. Tuy nhiên, ông Phúc nhấn mạnh, Ban soạn thảo cần phải có đánh giá toàn diện, cụ thể, đặc biệt cần có đánh giá tác động và khả năng chi trả của quỹ BHYT trong điều kiện hiện nay.

Hà Hùng