Print

Thành phố Nhật Bản dùng robot xử lý nạn trốn học

Thứ Bảy, 09 /09/2023 09:57

Các ngôi trường ở thành phố Kumamoto, thủ phủ tỉnh cùng tên ở miền Tây Nam Nhật Bản, mới đây đã sắm "trợ lý" robot để giải quyết tình trạng trốn học đang ngày càng gia tăng.

Các trợ lý máy này được trang bị loa, camera, thiết bị thu thanh và dự kiến được đưa vào các lớp học tại Kumamoto từ tháng 11. Chúng không chỉ quanh quẩn trong lớp học mà còn có thể tự do di chuyển ở khuôn viên trường và tham gia các sự kiện.

Học sinh học từ xa sẽ được kết nối với robot qua máy tính để bàn, tạo điều kiện cho các em dự buổi học và tham giao vào các cuộc thảo luận giống như các bạn khác.

Sở Giáo dục Kumamoto "tuyển dụng " trợ lý robot trong bối cảnh có nhiều lo ngại về nạn trốn học gia tăng trong những năm vừa qua. Năm 2022, có 2.760 trẻ tiểu học và trung học cơ sở ở Kumamoto không chịu đến lớp. Đây là năm thứ 4 liên tiếp chứng kiến tình trạng trốn học gia tăng ở thành phố này, kể từ năm 2018 với gần 1.300 trường hợp.

Từ tháng 1 năm nay, nhiều trường học tại Kumamoto đã tuyển dụng trợ giảng để phát trực tiếp các tiết học giúp những em không đến trường vẫn có thể theo dõi trực tuyến.

Không ít học sinh đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho sáng kiến mới, viện dẫn học trực tuyến giúp giảm bớt căng thẳng trong giao tiếp với giáo viên và bạn cùng lớp. Do vậy, chính quyền thành phố Kumamoto hy vọng các robot sẽ giúp những em hay trốn học lấy lại được sự tự tin và quay trở lại trường lớp.

Kumamoto không phải là nơi duy nhất ở Nhật Bản tìm cách thuyết phục trẻ em trong độ tuổi đi học quay lại trường. Theo số liệu của Bộ Giáo dục Nhật Bản, trong khoảng thời gian 12 tháng tính đến cuối tháng 3/2022 đã có tới 244.940 học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại nước này không đến trường trong hơn 30 ngày.

Bộ Giáo dục Nhật Bản nhận định vấn đề về tâm lý và sức khỏe thể chất do đại dịch COVID-19 là yếu tố lớn nhất dẫn đến tình trạng trên.

Tại Nhật Bản hiện nay, cảnh robot làm thay việc của con người không còn là điều hiếm gặp. Ngoài lĩnh vực giáo dục, robot xuất hiện ở nhiều ngành nghề, kể cả điều dưỡng và ẩm thực.

Vào năm 1968, robot đầu tiên được đưa vào sử dụng tại xứ sở mặt trời mọc và ngay sau đó, các loại robot gò, hàn, sơn, lắp ráp… phát triển mạnh mẽ trong các công xưởng. Đến những năm 2019-2020, robot trở nên phổ biến hơn trong ngành dịch vụ. Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, robot đã thực sự khiến các hình thức phục vụ thay đổi.  

Trong tương lai, với sự phát triển không ngừng của trí tuệ nhân tạo AI, robot được kỳ vọng sẽ trở thành bạn đồng thời là nguồn cung cấp lao động tích cực cho sự phát triển của Nhật Bản. Việc con người làm việc chung với robot không còn là viễn cảnh xa vời, mà đang là một thực tế quen thuộc ở cường quốc châu Á này.

Hoàng Dương