Print

Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng cơ thể thiếu hụt magie

Thứ Hai, 11 /09/2023 16:23

Thiếu hụt magie hay hạ magie trong máu (hypomagnesemia) xảy ra khi con người không nhận đủ magie– một chất dinh dưỡng thiết yếu– trong cơ thể. Nếu có mức magie thấp trong một thời gian dài, sẽ có nguy cơ suy yếu sức khỏe và gặp một số biến chứng. Vì vậy, điều quan trọng là phải nắm được các triệu chứng thiếu magie để có thể nhận biết sớm.

Magie đóng một vai trò thiết yếu trong cơ thể, đặc biệt là đối với tim, cơ và thận. Chất dinh dưỡng này giúp điều chỉnh chức năng thần kinh, cơ bắp; cân bằng lượng đường trong máu và hỗ trợ cơ thể tạo ra protein, xương và DNA. Thiếu hụt magie kéo dài có thể gây ra huyết áp cao, tiểu đường tuýp 2, loãng xương và đau nửa đầu. Lượng magiê được khuyến nghị hàng ngày thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính và việc đang mang thai hay đang cho con bú. Người trưởng thành trung bình cần 320–420 miligam (mg) magie mỗi ngày.

Hầu hết mỗi người đều có thể nhận đủ lượng magie trong chế độ ăn uống thông thường hằng ngày. Magie được hấp thụ trong thực phẩm, chẳng hạn các loại đậu, rau xanh, hạt, ngũ cốc nguyên hạt, sữa hoặc sữa chua. Tuy nhiên, mức magie của mỗi người khác nhau do tình trạng sức khỏe khác nhau hoặc uống quá nhiều rượu, tác dụng của một số loại thuốc. Đối tượng có khả năng hấp thụ lượng magie thấp bao gồm nam giới trên 70 tuổi và thanh thiếu niên.

Nếu đang ở giai đoạn đầu của tình trạng thiếu magie, các triệu chứng có thể nhẹ hoặc thậm chí không có bất kỳ triệu chứng nào. Một số triệu chứng rõ rệt là buồn nôn, ói mửa; mệt mỏi, suy nhược và yếu cơ. Bên cạnh đó, magie đóng vai trò quan trọng trong chức năng của dây thần kinh, cơ, tim, giúp vận chuyển canxi, kali qua màng tế bào- quá trình này rất quan trọng trong tiến hành các xung thần kinh, co thắt cơ bắp, điều chỉnh nhịp tim; vì vậy, nếu cơ thể thiếu magie, sẽ ảnh hưởng đến dây thần kinh, cơ và tim một cách rõ rệt. Ngoài ra, magiê giúp dẫn truyền các xung thần kinh, nếu thấp có thể gây tê và ngứa ran, đặc biệt là ở chân, tay; co thắt cơ bắp, chuột rút không tự chủ, thậm chí có thể bị co giật; nhịp tim bất thường; co thắt động mạch vành, gây đau nhói ở ngực, cơn đau có lúc lan đến hàm hoặc cánh tay.

Khi thiếu magie ở giai đoạn cuối, tức là mức magie trong cơ thể thấp đáng kể, sẽ có thêm triệu chứng của lượng kali, canxi thấp. Cụ thể:

Nếu mức kali thấp, có thể dẫn đến các triệu chứng như táo bón; mệt mỏi; nhịp tim có hoặc không đều; tổn thương cơ; yếu cơ; ngứa ran hoặc tê… Lúc này, cần tiếp nhận điều trị bằng cách bổ sung kali hoặc nhận kali qua đường truyền tĩnh mạch. Điều quan trọng là phải điều trị tình trạng thiếu magie tiềm ẩn trước khi phát triển các biến chứng nặng hơn, có thể nghiêm trọng.

Nếu mức canxi thấp, thì mức độ nhẹ, có thể không có bất kỳ triệu chứng nào; song ở mức độ nặng, có thể gây ra các triệu chứng như co giật; suy tim; co thắt dây thanh âm (gây khó thở). Điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và nguyên nhân nhưng vẫn cần điều trị tình trạng thiếu magie cơ bản để cải thiện mức canxi trong cơ thể.

Quan trọng là nhận thức được cơ thể đang có triệu chứng thiếu magie, cần gặp bác sỹ gia đình để tư vấn hoặc đến thăm khám tại các cơ sở y tế. Bác sỹ sẽ kiểm tra mức magie và đề xuất phác đồ điều trị, bổ sung magie bằng nhiều hình thức. Không nên chủ quan vì thiếu magie sẽ làm sức khỏe trở nên nghiêm trọng. Mức magie giảm nhiều, có thể có nguy cơ bị ngừng tim, suy hô hấp và thậm chí tử vong (mặc dù trường hợp này rất hiếm). Nếu bắt gặp các triệu chứng tiến triển hoặc ở giai đoạn muộn như nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim), co giật và tê hoặc ngứa ran, nên nhập viện khẩn cấp để tránh rủi ro sức khỏe.

Tùng Anh