Cho khách hàng vay để trả nợ ngân hàng khác: Hỗ trợ người mua nhà giảm áp lực lãi vay
Từ 1/9, các ngân hàng được cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác, với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Quy định mới này sẽ hỗ trợ khách hàng mua nhà giảm bớt áp lực trả lãi cao từ các khoản vay trước.
Ngân hàng được cho khách hàng vay trả nợ ngân hàng khác
Đầu tháng 9/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng chính thức có hiệu lực. Chính sách này được các chuyên gia cho là sẽ có tác động tích cực lên việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay và khách hàng cá nhân được hưởng lợi (vay phục vụ đời sống và mua nhà).
Đáng chú ý, tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bổ sung quy định tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Theo đó, tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN hiện hành, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống, sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các tổ chức tín dụng khác (nếu có).
Ngay sau khi chính sách có hiệu lực từ ngày 1/9/2023, nhiều ngân hàng đã “tung” ra gói tín dụng này. Đơn cử: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất cho vay chỉ từ 7,5%/năm cố định 12 tháng. Khách hàng có thể được vay vốn với thời gian vay lên đến 20 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay), với số tiền cho vay 70% giá trị tài sản đảm bảo và 100% thế chấp bằng tài sản khác.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho khách hàng cá nhân vay vốn tại BIDV để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất chỉ từ 6%/năm. Đối với khoản vay ngắn hạn, lãi suất vay chỉ từ 6%/năm. Đối với khoản vay trung dài hạn, lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm. Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại và phù hợp chi phí thanh toán tiếp theo phương án vay tại ngân hàng khác. Thời gian ân hạn gốc lên đến 24 tháng và không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay. Thời hạn cho vay đến 30 năm và không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại tổ chức tín dụng khác.
Theo các chuyên gia, quy định mới này sẽ thúc đẩy các ngân hàng hạ lãi suất cho vay để nâng cao sức cạnh tranh với các ngân hàng khác. Người vay sẽ có cơ hội tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp tại ngân hàng khác một cách dễ dàng hơn.
Không dễ để được vay
Có thể nói, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ra đời được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ phần nào tháo gỡ cho khách hàng đang vay lãi suất thả nổi theo thị trường từ 11-12%/năm. Bởi, nếu một khách hàng đang vay ngân hàng A năm thứ 2 với lãi suất thả nổi 12%/năm. Khi các ngân hàng thương mại triển khai chính sách này, khách hàng thấy tại ngân hàng B cho vay lãi suất năm đầu từ 6%, khoản vay trung và dài hạn 6,8%/năm, thì khách hàng hoàn toàn đến ngân hàng B để thực hiện các thủ tục đề nghị được vay.
Điều kiện vay là khách hàng sử dụng các tài sản đảm bảo khoản vay như số dư trên tài khoản tiền gửi, bất động sản, sổ tiết kiệm… của mình hoặc người thân thích như bố/mẹ/con đẻ/vợ/chồng. Tuy nhiên, trên thực tế, để khách hàng được vay trong chính sách này lại không hề dễ dàng, vì các quy định ngân hàng đưa ra chặt chẽ, tránh rủi ro nợ xấu.
Chị Hà Thu Hằng (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hồi cuối năm 2022, chị đã thế chấp một mảnh đất trị giá 4 tỷ đồng để vay một khoản 3 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại tư nhân nhỏ, với lãi suất năm đầu 11%/năm, từ năm thứ 2 là 13%/năm. Sắp sang năm thứ 2, lãi suất tăng cao nhưng công việc làm ăn không thuận lợi. Sau khi tìm hiểu về chính sách cho vay theo Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, chị đến phòng giao dịch của Vietcombank trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm) tìm hiểu, được nhân viên tư vấn giải thích “với tài sản đảm bảo là bất động sản 4 tỷ đồng cho khoản vay 3 tỷ đồng, nhưng chị cần xem lại trả trước hạn tại ngân hàng tư nhân kia với độ chênh là bao nhiêu %”.
Nhân viên này ví dụ: Chị Hằng vay Vietcombank trong 24 tháng với lãi suất 8%/năm, nhưng chị phải trả trước hạn cho ngân hàng tư nhân kia từ 3-4%/năm, cộng vào lãi suất vay Vietcombank, thì chi phí chị trả cũng phải lên đến 11-12%/năm (tương đương khoản vay cũ). Do vậy, nhân viên này khuyên chị Hằng không nên đảo nợ.
Trường hợp nếu trả trước hạn cho ngân hàng tư nhân kia chỉ từ 1-2%/năm thì nên vay. Đảo nợ sẽ được tính như sau: Khoản vay này vẫn được tính như một khoản vay mới. Vietcombank sẽ định giá lại tài sản đảm bảo, cộng thêm các chi phí khác để giải chấp tài sản tại ngân hàng tư nhân khoảng 5-6 triệu đồng. Sau khi thủ tục xong, Vietcombank sẽ rót tiền thẳng sang ngân hàng tư nhân kia giải chấp cho chị và nợ của chị sẽ về Vietcombank. Nếu chị vay Vietcombank 36 tháng, thì lãi suất cũng chỉ 9,2%/năm. Như vậy, sẽ thấp hơn ngân hàng tư nhân kia từ 2-4%/năm.
“Hiện tại, chúng tôi đang tính toán lại xem khả năng trả nợ của gia đình và tính toán lại các loại phí để đưa ra quyết định. Hiện, phí trả trước hạn tại ngân hàng tư nhân kia chỉ 2%/năm trong 2 năm, nên nếu đảo nợ vay sang Vietcombank thì gia đình tôi cũng đỡ áp lực được 3-4%/năm”- chị Hằng chia sẻ.
Phạm Minh Thắm