Print

Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động khẩn cấp để bảo vệ trẻ em

Thứ Ba, 12 /09/2023 16:06

Nhân Ngày Quốc tế bảo vệ giáo dục khỏi bị tấn công (9/9) năm nay, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đưa ra thông điệp kêu gọi các quốc gia tăng nỗ lực bảo vệ trường học, trẻ em và giáo viên.

Các cuộc xung đột trên thế giới đã đẩy rất nhiều trẻ em vào cảnh mồ côi, bị bắt đi lính hoặc bị lạm dụng. Trong làn sóng di cư lánh nạn, trẻ em cũng là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, phải đương đầu với nhiều vấn đề liên quan bệnh tật, thương tích, ly tán… Khi đến được đích, các em tiếp tục đứng trước một tương lai tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đến nay, thế giới vẫn chưa quên hình ảnh em bé Syria chết bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ trên đường chạy trốn khỏi cuộc xung đột vào năm 2015 và nhiều em nhỏ thiệt mạng trên đường vượt Địa Trung Hải.

Đại diện UNHCR cũng cho biết, với 1/5 số người tị nạn sống ở 46 quốc gia kém phát triển nhất thế giới và hơn 3/4 sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, chi phí giáo dục đang trở thành gánh nặng cho những người nghèo nhất.

Báo cáo mới của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đưa ra con số đáng báo động về số trẻ em ở khu vực Mỹ Latin và Caribe rời bỏ đất nước để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong năm 2022, khoảng 40.000 trẻ em đã vượt rừng Darien nguy hiểm ngăn cách giữa Trung và Nam Mỹ để mong thoát khỏi bạo lực, cuộc sống cơ cực và thời tiết khắc nghiệt ở trong nước. Con số này tăng vọt so với 29.000 trường hợp được ghi nhận trong năm 2021. Và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, hơn 40.000 trẻ em đã rời bỏ đất nước trên hành trình xuyên rừng, trong đó có tới 600 trẻ không có người lớn đi cùng.

Liên Hợp Quốc cho biết thêm, có hơn một nửa trong tổng số 14,8 triệu trẻ em tị nạn ở độ tuổi đến trường trên thế giới không được học hành chính quy. Tính đến cuối năm 2022, số người tị nạn ở độ tuổi đi học đã tăng gần 50% so với mức 10 triệu người một năm trước đó.

Với 1/5 số người tị nạn sống ở 46 quốc gia kém phát triển nhất thế giới và hơn 3/4 sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, chi phí giáo dục đang trở thành gánh nặng cho những người nghèo nhất. Hiện nay trên toàn cầu, khoảng 224 triệu trẻ em và thanh thiếu niên cần được hỗ trợ giáo dục khẩn cấp vì khủng hoảng và xung đột. Trong số này, 72 triệu em, tương đương với 1/3 trẻ phải nghỉ học.

Trong báo cáo, Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo về tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng đối với trẻ nhỏ ở các quốc gia đang xảy ra xung đột. Trong một vụ việc điển hình gây rúng động dư luận, tại Cộng hòa Dân chủ Congo, phiến quân từng đeo đai thuốc nổ vào người hai bé gái song sinh để gài bẫy lực lượng an ninh, may mắn là các chuyên gia rà phá bom mìn đã vô hiệu hóa thành công khối thuốc nổ. Nước này hiện đang chứng kiến hơn 2,8 triệu trẻ em đang bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực, trở thành nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp, bắt cóc, ép buộc đi lính, thậm chí bị sát hại.

Tại Niger, UNICEF ước tính có hơn 2 triệu trẻ em đang chịu ảnh hưởng của khủng hoảng và cần hỗ trợ nhân đạo lập tức. Hơn 2 triệu trẻ em ở Sudan cũng buộc phải rời nhà do xung đột và gần 14 triệu em cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.

Sự kết hợp các yếu tố như xung đột vũ trang kéo dài, tình trạng di tản trong nước và ra nước ngoài, cùng khả năng tiếp cận nhân đạo hạn chế đã dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng. Ở Mali, khoảng 5 triệu trẻ nhỏ đang cần được hỗ trợ khẩn cấp về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, an ninh và nước sạch, trong khi một triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ bị suy dinh dưỡng cấp tính vào cuối năm nay nếu không nhận được viện trợ kịp thời.

Tại Sudan, hơn 9,4 triệu trẻ em không được tiếp cận với nước uống an toàn và 3,4 triệu trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh tiêu chảy và dịch tả...

Trên thế giới, nhiều trẻ em đang phải đối mặt các mối đe dọa và trải qua nỗi kinh hoàng mỗi ngày do xung đột và bạo lực. Liên Hợp Quốc thúc giục cộng đồng quốc tế hãy hành động khẩn cấp, chấm dứt xung đột, hỗ trợ nhân đạo mạnh mẽ hơn, đồng thời mở rộng các tuyến di cư an toàn cho trẻ nhỏ cùng gia đình để giúp bảo vệ quyền lợi và tương lai của các em.

Ngọc Tuấn