TP.HCM: Không để HSSV có chỉ định bị bệnh đau mắt đỏ đến trường
Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành văn bản khẩn về việc tăng cường phòng bệnh đau mắt đỏ tại các cơ sở giáo dục; trong đó, tuyên truyền đồng thuận đến phụ huynh với thông điệp không để HSSV mắc bệnh đau mắt đỏ có chỉ định nghỉ học đến trường.
Nhằm kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị trường học chủ động triển khai các biện pháp để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi rút (thường gặp là Adenovirus) gây ra như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang...; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
Ngoài ra, cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở KCB để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Sở GD-ĐT TPHCM cũng lưu ý, khi phát hiện HSSV có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm,… cần hướng dẫn trẻ đi khám ngay tại cơ sở KCB để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định cho HSSV nghỉ học để tránh lây lan. Đồng thời, thông báo kết quả khám bệnh cho giáo viên chủ nhiệm được biết.
Trong trường hợp phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ trong lớp học, cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế của học sinh. Bên cạnh đó, thông báo thông tin ca bệnh cho trạm y tế để phối hợp xử lý.
Trường học phải đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức cho các đối tượng giáo viên, nhân viên nhà trường, HSSV và phụ huynh. Truyền thông tạo sự đồng thuận cho phụ huynh với thông điệp không để HSSV mắc bệnh đau mắt đỏ có chỉ định nghỉ học đến trường.
Trước tình hình trên, trong những ngày qua các trường học trên địa bàn TP.HCM đã chủ động phòng dịch với các biện pháp như: Tuyên truyền về phòng chống dịch đau mắt đỏ tới các cơ sở giáo dục trong quận, hướng dẫn các trường học vệ sinh trường lớp, tuyên truyền về cách phòng chống bệnh tới cha mẹ học sinh, giáo viên, HSSV. Nhiều trường đã chủ động nhắn tin cho phụ huynh tuyên truyền về phòng chống dịch đau mắt đỏ để phụ huynh phối hợp thực hiện, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho con em mình tại nhà. Đặc biệt nhiều trường học đã chủ động kiểm tra sức khỏe ban đầu cho HSSV theo đúng quy định, sau đó báo cáo sức khỏe HSSV trên cơ sở dữ liệu của Bộ GD-ĐT; cập nhật kiểm tra sức khỏe HSSV vào sổ theo dõi sức khỏe HSSV theo quy định.
Theo số liệu thống kê, tổng số ca bệnh đau mắt đỏ ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM khoảng 73.000 ca, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trung tâm phòng chống Bệnh tật TP.HCM cũng cho biết: Từ tháng 8- tháng 11 hằng năm là giai đoạn dịch đau mắt đỏ. Nguyên nhân thường do siêu vi, có trường hợp do các virus herpes, thủy đậu, poxvirus… nhưng chủ yếu vẫn do adenovirus (chiếm 70%-75%). Đây là virus có thể gây viêm kết mạc hầu họng, tấn công lên mắt. Bệnh này lây lan qua giọt bắn hầu họng, nước mắt. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh do adenovirus nên phần lớn trường hợp vẫn theo dõi, dùng nước mắt nhân tạo để dễ chịu, sử dụng kháng sinh để phòng ngừa bội nhiễm vi khuẩn.
Lê Văn